Ông Hiếu đưa ra nhận định trên tại cuộc tọa đàm “Nhận diện và kiến nghị điều kiện kinh doanh trong hai lĩnh vực khoa học - công nghệ và công thương” do Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức hôm 31-5.
Biến tướng của điều kiện kinh doanh
Theo thống kê, Luật đầu tư 2014 đã bãi bỏ 24 điều kiện kinh doanh, rút gọn từ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 243. Các điều kiện kinh doanh cụ thể được áp dụng theo 7 hình thức tại Nghị định 118 (và chỉ cấp nghị định mới được quy định điều kiện kinh doanh): giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận, điều kiện khác mà không phải chấp thuận bằng văn bản.
“Thống kê chỉ có 243 ngành nghề phải có điều kiện kinh doanh nhưng con số thực tế vẫn cao hơn”, ông Hiếu khẳng định.
Ông dẫn ra ví dụ từ các điều kiện kinh doan này, giấy phép “cha”, “con”, “cháu” lần lượt được ra đời. Chẳng hạn, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh yêu cầu: cửa hàng, biển hiệu địa chỉ rõ ràng, nhà xưởng, kho chứa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hay yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa thì không phải là điều kiện kinh doanh nhưng khi đăng ký tiêu chuẩn phải có giấy tiếp nhận thông báo. “Tờ giấy này bản chất là giấy phép và chính là điều kiện kinh doanh”, ông Hiếu khẳng định.
Trong dự thảo kinh doanh xe hợp đồng về lý thuyết không có điều kiện kinh doanh nhưng thực tế là có. Các hợp đồng phải thông báo cho Sở Giao thông Vận tải. Nếu có hợp đồng điện tử thì phải tuân thủ điều kiện đăng ký của Hợp đồng điện tử. Hoặc điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật hiện đang bị hiểu lẫn lộn cũng là một cách làm biến tướng, méo mó các điều kiện kinh doanh đáng ra phải rõ ràng, đơn giản.
Các điều kiện kinh doanh như đã nói ở trên do Quốc hội và Chính phủ ban hành, bắt buộc áp dụng. Tiêu chuẩn kỹ thuật do tổ chức tự công bố và tự nguyện áp dụng (quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…). Còn quy chuẩn kỹ thuật thì do cơ quan nhà nước ban hành và bắt buộc áp dụng (quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ..).
Ba vấn đề trên, theo ông Hiếu là có một phần trùng nhau: yêu cầu điều kiện về quy trình sản xuất. Kiến nghị đăt ra là phải khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp cơ quan nhà nước ban hành Quy chuẩn kỹ thuật thì các điều kiện phải hợp lý.
Tiếp tục rà soát điều kiện kinh doanh
Bà Nguyễn Diệu Hồng, trưởng nhóm nghiên cứu về nhận diện điều kiện kinh doanh ở hai Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ nói rằng, khi nghiên cứu 5 nhóm hàng hóa phải chịu các điều kiện kinh doanh: kinh doanh xuất khẩu gạo, kinh doanh dịch vụ logistic, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, kinh doanh rượu và kinh doanh khí thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương thì thấy 3 mặt hàng đầu không cần điều kiện kinh doanh. Nếu chiếu theo quy định của điều 7 Luật đầu tư về sự cần thiết phải ban hành thì các hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo không gây mất an ninh lương thực do Việt Nam dư cung gạo nhiều năm.
"Chúng tôi không tìm ra lý do nào để có thể suy đoán việc kinh doanh xuất khẩu gạo có thể tác động đến lợi ích công, người tiêu dùng ”, bà Hồng nói. Bà dẫn trường hợp kinh doanh dịch vụ logistic là tổng hợp các loại hình kinh doanh theo chuỗi; trong chuỗi đó, kinh doanh vận tải đã có điều kiện riêng, đại lý thuế có điều kiện riêng rồi lại còn điều kiện chung cho chuỗi hoạt động là tầng tầng, lớp lớp các điều kiện kinh doanh.
Ngay trong hai loại hình kinh doanh khí và kinh doanh rượu, nhà nước cũng không nên can thiệp một cách quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Như quy định về tổng đại lý kinh doanh rượu, khí thì cách tổ chức mô hình kinh doanh như thế nào là quyền của doanh nghiệp.
Ông Hiếu cũng nhắc lại điều kiện kinh doanh được “gài” trong Dự thảo nghị định điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Liên Bộ Công Thương-Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến. Trong đó có tiêu chí về điều kiện kinh doanh, theo ông, bị lạm dụng: đơn vị kinh doanh ô tô nhập khẩu phải có trạm bảo dưỡng và cho rằng đây là điều kiện cần vì ô tô đưa vào lưu thông không đủ điều kiện có thể gây rủi ro cho xã hội. Song thực chất điều kiện này là con dao hai lưỡi vì bỏ qua yếu tố người tiêu dùng đánh giá mức độ rủi ro này như thế nào, có cần thiết hay không.
Quan điểm của những người tham gia rà soát điều kiện kinh doanh là tiếp tục rà soát nhằm tìm ra những tầng, lớp có tính chất như điều kiện kinh doanh ẩn chưa dưới các hình thức chấp thuận hoặc cho phép khác nhau.
Ông Hiếu nói, đến trung tuần tháng 6 sẽ công bố bản rà soát chính thức về các điều kiện này, trên cơ sở so sánh các điều kiện đó tại thời điểm trước và sau khi Luật đầu tư 2014 có hiệu lực.
Theo đó, cần tiếp tục rà soát, loại bỏ các hình thức áp đặt quá mức cần thiết các điều kiện kinh doanh (không phải cứ có rủi ro là có can thiệp bằng điều kiện), tạo ra rào cản gia nhập thị trường (như yêu cầu về năm kinh nghiệm làm việc), tạo thêm gánh nặng thủ tục hành chính, áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc nhằm hạn chế sáng tạo và hạn chế liên kết theo chuỗi, áp đặt mức trần, sàn sản lượng sản xuất, tiêu dùng, hạn chế quyền tự do hợp đồng.