“Dài cổ” chờ...
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lương Thị Thu (Khánh Hà -Thường Tín - Hà Nội), cho biết: Gia đình bà nấu rượu thủ công từ nhiều năm nay, chủ yếu là phục vụ tiêu dùng cho người thân và các gia đình trong xóm. “Vừa rồi cơ quan chức năng vào kiểm tra, dụng cụ nấu rượu đảm bảo nên họ chỉ yêu cầu gia đình viết cam kết không sử dụng hóa chất độc hại, không pha rượu không đảm bảo để bán. Chúng tôi đã ký vào bản cam kết và sẽ không vi phạm” - bà Thu cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi việc nấu rượu có theo quy chuẩn công thức nào không? Bà Thu cho biết: Hầu hết các hộ nấu rượu nhỏ lẻ đều theo cảm tính, kinh nghiệm truyền nghề. “Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ nếu có bộ quy chuẩn đối với rượu thủ công và mong cơ quan chức năng sớm ban hành quy định này. Nếu không có bản quy chuẩn, rượu chúng tôi nấu ra không được công nhận dù đảm bảo chất lượng thì rất thiệt thòi” - bà Thu cho biết thêm.
Tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có hàng trăm hộ làm men, nấu rượu thủ công. Mặc dù cố gắng giữ VSATTP, chọn men tốt, gạo tốt để nấu rượu, nhưng hiện số lượng người đăng ký chất lượng rượu nấu thủ công mới chỉ “đếm trên đầu ngon tay”. Nhiều hộ cho rằng, khi chưa có bộ quy chuẩn về rượu thủ công, người sản xuất không biết đăng ký theo tiêu chuẩn nào. “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện đúng quy định để yên tâm sản xuất. Đề nghị cơ quan phụ trách vấn đề này sớm ban hành bộ quy chuẩn để chúng tôi không bị mang tiếng “nấu rượu lậu”” - một hộ nấu rượu tại làng Vọc (xã Vụ Bản), cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Liên - người đã hơn 15 năm bán rượu dạo tại khu vực Cầu Giấy, chị bán rượu do gia đình tự nấu thủ công. Rượu ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng gạo và men ủ nên gia đình chị hoàn toàn sử dụng gạo nếp, men rượu thì tự làm theo phương pháp gia truyền, dùng bột gạo và hơn 30 loại thuốc bắc. Các dụng cụ nấu rượu, từ chum sành ủ rượu cái, nồi nấu rượu được làm bằng đồng đỏ để tránh bị váng, dụng cụ hứng rượu bằng bình thủy tinh... đảm bảo vệ sinh.
“Rượu của tôi nấu ra thơm ngon được khách hàng ưa thích, nhưng khi đi bán hàng chúng tôi dễ bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng hóa. Rất mong Nhà nước ban hành quy chuẩn để chúng tôi có căn cứ “bám” vào đó để sản xuất. Đối với các cơ sở đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy phép, còn các cơ sở không đạt tiêu chuẩn sẽ bị dẹp bỏ” - chị Liên bày tỏ.
|
Một trường hợp cấp cứu do ngộ độc rượu. Ảnh: P.V
|
Quy chuẩn với rượu thủ công – Bao giờ có?
Ông Trần Việt Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, việc xử lý đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh rượu thủ công còn khó khăn do hiện chưa có quy định cụ thể về quản lý đối với sản phẩm rượu thủ công. Bên cạnh đó, cũng chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam đối với sản phẩm rượu thủ công, đặc biệt là các loại rượu thủ công ngâm các loại thảo dược và các loại động vật, côn trùng...
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Vinh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục tiêu Chuẩn đo lường Chất lượng cho biết, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, đã có Tiêu chuẩn Việt Nam về Rượu trắng TCVN 7043:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F9 Đồ uống biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ KHCN công bố. Về quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ đóng vai trò thẩm định còn việc ban hành quy chuẩn là thẩm quyền của Bộ Y Tế. Trước những lo ngại của nhiều người tiêu dùng và đòi hỏi bức thiết từ phía xã hội, ông Vinh cho biết, Tổng cục sẽ có văn bản gửi sang Bộ Y tế để thúc đẩy việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thôgn tin: Đến nay vẫn không có quy chuẩn riêng cho rượu thủ công. Trên thực tế không thể nào có quy chuẩn cho từng sản phẩm cụ thể, các nước khác cũng không ban hành quy chuẩn như thế. Cục An toàn thực phẩm cũng đã đưa ra yêu cầu các hộ sản xuất rượu tuyệt đối không sản xuất kinh doanh rượu pha chế từ nguyên liệu, không đảm bảo chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn...
Như vậy, qua trao đổi với các cơ quan chức năng, thì có vẻ ngày ra đời của bộ quy chuẩn đối với rượu thủ công vẫn còn xa vời. Trước mắt, dù là được sản xuất thủ công hay công nghiệp, rượu trắng vẫn phải theo quy chuẩn Rượu trắng TCVN 7043:2013 đã ban hành.
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - cho biết, rượu sản xuất thủ công hay công nghiệp nếu phù hợp với tiêu chí nêu tại mục 3.6, phần I, Quy định chung của QCVN 6-3:2010/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn của Bộ Y tế) thì phải có các chỉ tiêu hoá học tuân thủ theo mức quy định tại Phụ lục II của QCVN 6-3:2010/BYT. Cụ thể là quy định về mức tối đa của hàm lượng methanol tính theo đơn vị mg/l cồn 100o tương ứng với từng loại rượu.