Không nên áp dụng đại trà
Để xác định chất cấm trong các
cơ sở giết mổ vật nuôi, trang trại chăn nuôi, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã sử dụng hàng trăm bộ thử kit test nhanh chất Clenbuterol và Salbutamol (chất tăng trọng trong chăn nuôi). Sau các đợt kiểm tra nhanh tại cơ sở giết mổ vật nuôi ở Thanh Trì, Thanh Oai, Đông Anh, Chương Mỹ…, các đơn vị của Sở đã phát hiện hàng chục mẫu dương tính với chất cấm, nhưng khi đưa số mẫu này đi xét nghiệm chuyên sâu tại phòng thí nghiệm lại cho kết quả âm tính.
Lý giải về tình trạng này, Trưởng phòng Kiểm dịch (Chi cục Thú y Hà Nội) Nguyễn Hữu Thảo cho biết: Thực tế test nhanh phát hiện chất cấm ở lò mổ cho thấy một số mẫu cho kết quả dương tính “ảo”. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra vẫn sử dụng để làm hồ sơ ban đầu vì nếu lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm phải mất từ 1 đến 2 tuần mới có kết quả, gây khó khăn cho công tác xử phạt.
“Hiện bộ thử kit test nhanh đang sử dụng có giá 400-500 nghìn đồng/mẫu. Trong khi để xét nghiệm chất cấm trong chăn nuôi hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép ở phòng thí nghiệm phải mất 1,5-2 triệu đồng/mẫu. Vì vậy, sử dụng test nhanh sẽ hỗ trợ các đoàn kiểm tra khi lấy mẫu giám sát chất lượng các mặt hàng nông, lâm,
thủy sản ban đầu để có cơ sở xử phạt, nhưng cũng không nên áp dụng đại trà vì tỷ lệ kết quả "ảo" còn quá cao” - ông Nguyễn Hữu Thảo nhìn nhận.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng gặp khó khăn cả về thiết bị lẫn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ trong kiểm tra chất lượng thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành của thị trấn cũng áp dụng biện pháp lấy mẫu giám sát chất lượng
ATTP, nhưng hiệu quả còn hạn chế bởi cán bộ chuyên môn yếu, lúng túng khi thao tác bộ thử...
Đồng quan điểm, bà Bùi Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận
chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cho biết, đây là một khó khăn đối với cơ sở khi thực hiện giám sát chất lượng ATTP. Thêm một vấn đề bất cập là các bộ kit test nhanh mới chỉ kiểm tra được một số chất thông dụng, còn đối với chất vàng ô Auramine (một loại thuốc nhuộm thực phẩm có độc tính cao bị cấm) trong chăn nuôi vẫn phải xét nghiệm chuyên sâu tại phòng thí nghiệm.
Xây dựng bộ tiêu chí chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm
Bộ NN&PTNT khuyến cáo, để giám sát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao, khi kiểm tra bằng phương pháp test nhanh, nếu phát hiện dương tính cần gửi ngay mẫu tới phòng thí nghiệm xét nghiệm chuyên sâu và tạm giữ sản phẩm chờ kết quả chính xác để có hướng xử phạt theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, việc lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP được coi là giải pháp quan trọng để đánh giá chất lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu sản phẩm dương tính, đoàn kiểm tra liên ngành ở các tỉnh, thành phố không nên vội vàng thông báo kết quả, vì điều này sẽ ảnh hưởng tới người sản xuất và tiêu dùng. Mặt khác, các phòng xét nghiệm chuyên sâu cần rút ngắn thời gian trả kết quả, tạo thuận lợi cho các đoàn kiểm tra trong quá trình xử lý vi phạm; các ngành chức năng hỗ trợ về kinh phí, thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở để nâng cao trình độ chuyên môn về lấy mẫu, phân tích chỉ tiêu ATTP.
Bộ NN&PTNT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành bộ tiêu chí chuẩn chất lượng ATTP để các tổ chức, cá nhân căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nhằm bảo đảm tính chủ động, giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Thực tế cho thấy, các biện pháp kiểm tra là rất cần thiết để kiểm soát chất lượng thực phẩm, tuy nhiên giải pháp này mới giải quyết được "phần ngọn". Về lâu dài, các ngành chức năng cần kiểm soát từ "phần gốc" tại đồng ruộng, trang trại chăn nuôi, cơ sở
chế biến... để vừa hình thành ý thức trách nhiệm trong từng khâu sản xuất, tạo uy tín với người tiêu dùng, vừa giảm chi phí cho những yếu tố phụ trợ trong quá trình lưu thông.