0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bất cập trong quản lý sản xuất rượu thủ công

01/06/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Bất cập trong quản lý sản xuất rượu thủ công
Ở các làng quê trong các dịp lễ, tết, hiếu, hỷ hay những bữa ăn dân dã, rượu thủ công luôn góp mặt phổ biến. Và như một điều tất yếu, nhiều năm qua hoạt động sản xuất rượu thủ công tồn tại song hành trong đời sống sinh hoạt của nhân dân các vùng nông thôn trong tỉnh.

Trước thực trạng nhiều vụ ngộ độc rượu gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra trên cả nước thời gian qua khiến người tiêu dùng lo ngại, vấn đề đặt ra về quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đang được dư luận quan tâm. Song trong thực tế triển khai các quy định về quản lý sản xuất rượu thủ công đang gặp những bất cập cần sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả cơ quan chức năng, hộ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Hộ sản xuất thờ ơ

Theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 94) về sản xuất, kinh doanh rượu quy định: Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Trong đó điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là: Cơ sở phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành: Giấy phép VSATTP, cam kết bảo vệ môi trường, công bố sản phẩm rượu…

Mặc dù Nghị định có hiệu lực từ đầu năm 2013, nhưng hiện nay việc nấu rượu thủ công, không phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng vẫn tồn tại. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Sở Công Thương, toàn tỉnh có khoảng 2.200 hộ sản xuất rượu thủ công, trong đó chủ yếu là bán lẻ, một phần bán buôn, còn tỷ lệ hộ bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại không nhiều.

 

 

Hầu hết các hộ sản xuất rượu thủ công trong tỉnh đều chưa có giấy phép sản xuất rượu thủ công.

 

Tìm hiệu tại khu phố 5 Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn), nơi có nghề nấu rượu truyền thống được biết, tại đây có gần 100 hộ nấu rượu thủ công bán lẻ, bán buôn cho các nhà hàng, quán ăn của địa phương và các tỉnh, thành phố lân cận như: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xin giấy phép sản xuất rượu thủ công theo Nghị định 94 thì nhiều hộ đều tỏ ra thờ ơ và cho rằng họ chỉ chưng cất khối lượng nhỏ bán cho một số quán ăn để tăng thu nhập chứ có buôn bán lớn đâu mà cần phải có giấy phép sản xuất !. Một số hộ khác không tỏ thái độ thờ ơ nhưng lại khá lạ lẫm khi được hỏi về Nghị định 94. Bà Nguyễn Thị Hương phân bua: “Bao năm nay gia đình vẫn nấu rượu và chỉ biết làm sao cho rượu “ngon” để giữ khách còn quy định nấu rượu phải xin phép thực sự là chưa hề biết đến. Có lẽ do nấu với quy mô nhỏ nên cũng chưa thấy cơ quan chức năng nào đến nhắc nhở về giấy phép. Bây giờ mới biết về Nghị định 94, nhưng vẫn chưa rõ quyền lợi và trách nhiệm của hộ sản xuất rượu thủ công như thế nào…?”. Cũng giống như ở Đồng Nguyên, nhiều hộ sản xuất rượu thủ công ở các xã, phường trong tỉnh cũng khá thờ ơ với quy định sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định 94. Đa số cho rằng do sản xuất quy mô nhỏ và không thường xuyên nên không cần có giấy phép sản xuất.

Nỗ lực của địa phương

Thực hiện Nghị định 94, Sở Công Thương Bắc Ninh yêu cầu các phòng Kinh tế - hạ tầng, phòng Công Thương các huyện, thị xã, thành phố rà soát các cơ sở nấu rượu thủ công, tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai việc cấp giấy phép sản xuất rượu. Tiếp đến, ngày 14-3- 2017, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc “tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu”, Sở Công Thương, các huyện, thị xã, thành phố có văn bản chỉ đạo tới các địa phương. Kết quả, toàn tỉnh cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công cho 150/2.200 hộ. Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 12 trường hợp, tổng số tiền phạt gần 54 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là: không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận tập huấn về ATTP, không có giấy khám sức khỏe, không có hợp đồng mua bán, không có nhãn hàng hóa… Tuy có nhiều cố gắng, nhưng việc quản lý sản xuất rượu thủ công vẫn rất khó khăn, từ quy định tới thực tiễn còn khoảng cách lớn.

 

 

Sản xuất  rượu thủ công của các hộ ở Đồng Nguyên đều sử dụng chung với khu vực sinh hoạt gia đình.

 

Nghị định 94 quy định rõ: UBND xã, phường là cơ quan để các tổ chức, cá nhân đến đăng ký sản xuất rượu. Thế nhưng khi về tìm hiểu tại một số địa phương có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công về thực hiện Nghị định 94, chính quyền xã, phường lại tỏ ra lúng túng. Hầu hết chính quyền cấp xã đều khẳng định đã nhận được công văn của cấp trên về việc thực hiện Nghị định 94 nhưng lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, địa phương chỉ biết tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở để người dân nắm được nội dung của Nghị định chứ chưa thể làm được việc gì hơn. Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Nguyên cho biết: “Tuy địa phương đã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, nhưng đến nay nhiều hộ sản xuất rượu thủ công vẫn chưa làm thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh. Bởi họ ngại tốn nhiều công sức lại bị gò bó trong khuôn khổ và phải nộp thêm nhiều loại lệ phí…”.

Những bất cập nẩy sinh và giải pháp tháo gỡ

Thực tế tại địa phương, đa phần các cơ sở sản xuất rượu thủ công quy mô nhỏ, vừa nấu rượu vừa kết hợp sử dụng bỗng rượu để chăn nuôi, không có đăng ký kinh doanh và không đăng ký thuế, cơ sở thiết bị hạ tầng trong sản xuất được sử dụng chung các thiết bị, khu vực sinh hoạt gia đình. Để đủ điều kiện cấp giấy phép, gia đình phải đạt được những điều kiện nhất định về mặt pháp lý cũng như cơ sở vật chất mà pháp luật quy định. Đây là đòi hỏi tương đối khó so với mặt bằng chung của các hộ nấu rượu thủ công trong tỉnh. Theo ông Diêm Quốc Thịnh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế (thành phố Bắc Ninh) thì khi Nghị định 94 ban hành, Phòng đã có văn bản triển khai đến các xã, phường. Nhưng do thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công phức tạp, nhiều giấy tờ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng nên số hộ hoàn thiện thủ tục đăng ký vẫn còn ít… Theo phản ánh của người dân thì với chi phí và những cách thức để các hộ sản xuất rượu thủ công đạt được các tiêu chí theo quy định về ATTP, công bố quy chuẩn, hợp quy… dù có tích cực làm, người dân cũng phải mất 1 tháng và gần chục triệu đồng tiền phí mới hoàn thiện các loại giấy tờ. Với cách thức sản xuất rượu thủ công nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình thì đó là số tiền và công sức không nhỏ. Đây là những khó khăn không chỉ đối với hộ sản xuất, mà còn cả với các cơ quan quản lý.

Nhằm quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, phòng ngừa những hệ lụy do tiêu dùng rượu thủ công không phép, không bảo đảm chất lượng gây ra, cần có sự tham gia quyết liệt của các cơ quan chức năng và hộ sản xuất. Đi đôi với việc giải quyết những bất cập, tạo thuận lợi cho các hộ trong việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất, cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp xã) trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân sản xuất và sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Kịp thời giải đáp các thắc mắc cho người dân, minh bạch thủ tục hành chính từng khâu để người dân hiểu và thực hiện nội dung quy định. Có chế tài xử lý vi phạm thích đáng, bởi vì dù có tuyên truyền, hướng dẫn song nếu không có cơ quan hậu kiểm thì tâm lý “mặc kệ” của nhiều hộ nấu rượu thủ công sẽ còn tiếp diễn. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng, chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất rượu thủ công cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất cũ, thể hiện thái độ cầu thị và có trách nhiệm với cộng đồng.

Thái Uyên-Thanh Ngân