0908.326.779 - 0906.362.707
 

Phải kiểm soát chặt hàng giả trên kênh thương mại điện tử

29/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Phải kiểm soát chặt hàng giả trên kênh thương mại điện tử
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trên Facebook

Sáng nay 27.11, tại chương trình Lễ kỷ niệm 10 năm ngày chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong thời buổi kinh tế hội nhập như hiện nay, công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng càng phải được đẩy mạnh.

Theo Phó thủ tướng, tại thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ không chỉ tại các kênh phân phối hàng hóa truyền thống mà còn phải kiểm soát bán hàng qua mạng, qua các phương thức thương mại điện tử.

Tại biên giới, các lực lượng hải quan, lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng khác phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay tại biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kể cả với vấn đề nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn cho được việc nhập khẩu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vào Việt Nam.

 "phai kiem soat chat hang gia tren kenh thuong mai dien tu" hinh anh 1

Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện lô hàng giả mặt hàng bột ngọt. Ảnh tư liệu.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thời gian qua đã có những vụ việc cho thấy không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà còn cả những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu cũng đã gian lận kinh doanh hàng giả, lừa dối người tiêu dùng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với bản thân doanh nghiệp mà còn tạo ra sự mất niềm tin đối với hàng hóa Việt Nam.

Do đó, nhận thức của bản thân các doanh nghiệp trong công tác chống hàng giả cũng cần tiếp tục được nâng lên. “Một khi làm hàng giả thì trước sau cũng bị nhân dân, xã hội phát hiện, bị pháp luật xử lý. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân cùng xây dựng thương hiệu, đề cao lương tâm và trách nhiệm, nói không với sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, đại diện doanh nghiệp Nhựa Bình Minh chia sẻ, ý thức được giá trị thương hiệu của mình, ngay từ những năm 1990, nhựa Bình Minh đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền và liên tục bổ sung những nhãn hiệu mới, gia hạn những nhãn hiệu đã có đăng ký bảo hộ tại các nước Lào, Myanmar, Campuchia, Mỹ… và đang làm thủ tục đăng ký tại các nước khác như Trung Quốc, Nga, Úc, Thái Lan, Philippine...

Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc bảo hộ sản phẩm của mình, từ việc làm nhái thương hiệu BM plastic, đến việc truy bắt, xử lý các vụ làm hàng giả với số lượng hàng hóa lên đến hàng chục tỷ đồng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Như mới đây, một vụ việc làm giả sản phẩm Nhựa Bình Minh được đưa ra xét xử nhưng nhựa Bình Minh không được mời tham dự với tư cách là người bị hại hoặc các bên có nghĩa vụ liên quan. Doanh nghiệp này đã kháng án và mới nhận được giấy triệu tập tại tòa xem xét lại vào 29.11 tới trong khi một trong các đối tượng đã hoàn thành thời gian thi hành án và được trả tự do.

Hay như trước đó, năm 2015, một vụ làm giả với quy mô lớn giá trị hàng hóa lên đến 2,5 tỷ đồng bị phòng PC46 (Công an TPHCM) bắt quả tang, có quay phim chụp ảnh nhưng hiện nay vụ án đã bị tạm đình chỉ, không được tiếp tục điều tra. Vụ án gần như… chìm xuồng.

 "phai kiem soat chat hang gia tren kenh thuong mai dien tu" hinh anh 2

Nhiều vụ sản xuất hàng giả bị phát hiện rồi... chìm xuống khiến doanh nghiệp chịu thiệt nhiều bề.

Cùng cảnh ngộ, ông Thái Tuấn - Giám đốc công ty TNHH Chế biến thực phẩm Tân Huê Viên, chủ thương hiệu bánh pía Tân Huê Viên cho biết, nhiều năm liền, ông là nạn nhân của các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Bức xúc vì bị giả thương hiệu, ông Tuấn từng phải khăn gói ra tận Hà Nội, bỏ công bỏ việc, “ăn dầm nằm dề” mấy tháng trời ngoài Bắc để đòi lại thương hiệu. Ông Tuấn kể uất ức lên đến tột đỉnh khi vài lần ông đi siêu thị, thấy quầy bánh pía Tân Huê Viên bị chèn thêm bánh của một doanh nghiệp khác, có cơ sở ở Hà Nội. Khi cầm sản phẩm lên xem thử thì thấy, doanh nghiệp này cũng lấy hiệu “đặc sản Sóc Trăng” do ông Tuấn đã đăng ký bản quyền.

“Họ bán giá rẻ hơn sản phẩm thật. Chúng tôi vì bị nạn hàng giả mà rơi vào khó khăn, mất thị trường, mất khách hàng và thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa kể, có giai đoạn công ty còn phải ngưng sản xuất, cả ngàn công nhân không có việc làm… Thế nhưng, khi tôi khởi kiện, đơn vị sai phạm chỉ bị xử phạt 100 triệu đồng” – ông Tuấn kể

Thuận Hải