Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn cho biết, tình trạng làm giả Nón Sơn ngày một gia tăng, mức độ vi phạm rất tinh vi và địa bàn phát hiện nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Đác Lắc, Gia Lai và An Giang. Một chiếc mũ bảo hiểm làm giả hoàn toàn sản phẩm của Nón Sơn, có chi phí sản xuất chưa tới 100 nghìn đồng, nhưng bán cho người tiêu dùng khu vực An Giang tới 320 nghìn đồng, xấp xỉ giá một chiếc nón chính hãng. Trước đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều nhất mỗi vụ khoảng 1.000 sản phẩm giả Nón Sơn, nhưng mới đây, tại Đác Lắc đã phát hiện một vụ làm giả lên đến 5.000 chiếc.
Hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều và khó xử lý, do làm hàng giả siêu lợi nhuận, trong khi mức xử phạt lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe. “Nhà nước nên quy trách nhiệm cho từng địa phương để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả. Chỉ có như vậy mới xử lý triệt để nạn hàng giả”, ông Nguyễn Ngọc Tý đề xuất.
Giám đốc Công ty TNHH
sản xuất mỹ phẩm Anh Đào Phạm Thị Đào bức xúc: “Chúng tôi vất vả 15 năm qua để làm ra mỹ phẩm với
thương hiệu Sứ Tiên, được tiêu thụ tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, chúng tôi đang là nạn nhân của hàng giả. Để bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi dán tem truy xuất nguồn gốc, tem
chống giả, nhưng hàng giả Sứ Tiên chỉ mới giảm chứ chưa xử lý dứt điểm được”. Cũng theo bà Đào, có hiện tượng một bộ phận lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ở một số địa phương chưa thể hiện hết trách nhiệm, chưa thật sự đồng hành với những nhà sản xuất chân chính để
chống hàng giả.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết, có một DN nước ngoài phát hiện sản phẩm là mỹ phẩm của mình bị làm giả và chính cơ sở làm hàng giả cũng thừa nhận mua hàng của DN khác về pha với nước lã bán, nhưng lực lượng chức năng lại không lập biên bản vi phạm vì cho rằng cơ sở chỉ san chiết, không sản xuất hàng giả.
Ông Trần Thanh Kha, chuyên viên cao cấp của Công ty TNHH NGK Spark Plugs Vietnam chia sẻ, tại thị trường Việt Nam hiện có 20% số bu-gi NGK giả. Hằng tháng, công ty phải cử nhân viên khảo sát thị trường, kiểm tra và ghi nhận thông tin về hàng giả, hàng nhái, kết hợp truyền thông cảnh báo về hàng giả đến người tiêu dùng. Tuy vậy, phương thức này chỉ là cách làm thủ công, vì vậy rất cần sự chế tài mạnh mẽ đối với hành vi làm hàng giả…
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) Trương Văn Ba nhìn nhận, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn nạn của nhiều quốc gia. Ở nước ta, tình trạng nêu trên ngày càng nhiều và tinh vi. Trong năm 2016, các cơ quan chức năng đã xử lý 223 nghìn vụ vi phạm về hàng hóa; khởi tố 1.561 vụ với 1.600 đối tượng; thu tiền phạt 21 nghìn tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2017, đã xử lý 181 nghìn vụ vi phạm; khởi tố 1.600 vụ với 1.500 đối tượng; xử phạt 17 nghìn tỷ đồng; trong đó, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lên đến hàng nghìn vụ.
Ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục
Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong nâng cao sức cạnh tranh của DN trong bối cảnh hiện nay. Để nhận diện quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm của mình, DN phải chú ý đăng ký bảo hộ. Mỗi năm, Cục Sở hữu trí tuệ nhận khoảng 60 nghìn đơn đăng ký xác lập quyền
sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
nhãn hiệu quốc gia…). Điều này chứng tỏ DN ngày càng quan tâm đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và luật pháp sẽ bảo hộ các sản phẩm đã đăng ký, góp phần loại trừ các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả.