Các chuyên gia cho biết tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán nhiều nơi một phần do đa số các doanh nghiệp chỉ lo sản xuất, tiêu thụ mà chưa quan tâm đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; chưa chung sức cùng các cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả để bảo vệ chính mình.
Hàng nhái, hàng giả tràn lan
Những ngày qua, dư luận hết sức bất bình về câu chuyện nhãn hàng Khaisilk bán hàng giả. Qua đó cho thấy, hàng nhái, hàng giả đã và đang trở thành một vấn nạn. Ghi nhận cho thấy, hiện nay hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều bị làm giả, làm nhái.
Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sởhữu trí tuệchưa códấu hiệu giảm, thậm chícòn tăng. Cụ thể, 10 tháng năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã xử lý 42 vụ vi phạm, tăng 27 vụ so với cùng kỳ năm trước; số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 479 triệu đồng, tăng 91,2% so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu được lực lượng QLTT phát hiện gồm rượu, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ tùng xe máy, bột ngọt, đậu, rượu, giấy vệsinh... Điển hình, tháng 7-2017, Đội QLTT số 9 đã phát hiện một công ty sản xuất mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa. Chi cục QLTT tỉnh đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 28 triệu đồng, đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty trong 3 tháng.
Trong lĩnh vực may mặc, da giày, những thương hiệu nổi tiếng như Việt Tiến thường bị làm giả mạo, thậm chímột số người kinh doanh hàng giả còn công khai mở cả cửa hàng để phân phối sản phẩm giả với giá chỉ bằng 1/3 - 1/2 giá trị mặt hàng thật. Không dừng lại ở đó, một số nơi còn nhận gia công các sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu cho các tiểu thương có nhu cầu. Do giá bán những loại mặt hàng này rất rẻ so với hàng thật nên nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn mua để sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái, hàng lậu phát triển mạnh trên thị trường.
Theo nhiều thành viên Hiệp hội Dệt may và Da giày Bình Dương, khi các thương hiệu nổi tiếng đặt gia công, yêu cầu về việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm của họ đặt ra cho các doanh nghiệp gia công rất nghiêm ngặt. Chỉ cần vi phạm hợp đồng, các doanh nghiệp gia công sẽ phải đền khoản tiền cao gấp vài lần so với giá trị lô hàng, nên khó có tình trạng hàng hiệu xuất khẩu của các thương hiệu nổi tiếng được bày bán trôi nổi trên thị trường. Một số người kinh doanh hàng giả các mặt hàng thương hiệu nổi tiếng do họ nắm bắt được tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng trong nước. Ngoài mặt hàng giày da, may mặc, rất nhiều loại hàng hóa khác như thực phẩm, điện tử - điện máy, phương tiện giao thông, phân bón, dược phẩm, mỹ phẩm... cũng bị làm giả, làm nhái và bày bán công khai trên thị trường hiện nay.
Không chỉ hoạt động mạnh tại các chợ, trung tâm thương mại, hiện nay hàng nhái, hàng giả còn được bày bán rầm rộ trên các trang mạng, buôn bán online để các “thượng đế” dễ dàng lựa chọn.
Doanh nghiệp còn thờ ơ với sở hữu trí tuệ
Theo Chi cục QLTT tỉnh, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng chuyên nghiệp, sử dụng nhiều công nghệ, máy móc hiện đại. Các tổ chức vi phạm liên kết chặt chẽ, hình thành những quy trình chuyên biệt. Ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, cho biết việc xử phạt các trường hợp hàng nhái, hàng giả, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trítuệ còn gặp nhiều khó khăn, do việc phối hợp của chủ sở hữu nhãn hiệu trong xử lý hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa tích cực. Rõ ràng, ý thức về việc bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu công nghiệp của nhiều doanh nghiệp hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chỉ lo sản xuất, tiêu thụ chứ chưa chú trọng hỗ trợ các lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả.
Cũng theo Chi cục QLTT tỉnh, thời gian qua số lượng doanh nghiệp có hình thức giúp các ngành chức năng trong việc ngăn chặn hàng nhái, hàng giả nhằm bảo vệ thương hiệu của mình còn rất ít. Điều đáng nói, việc phân biệt hàng thật, hàng giả rõ ràng không cơ quan nào nhận biết tốt nhất và chính xác bằng chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó. Một thực tế đáng lo nữa là, còn có những doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm quyền sở hữu trítuệ đối với hàng hóa hay sản phẩm cùng loại đang tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan trên thị trường, trước hết uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị sụt giảm, ảnh hưởng đến chính bản thân doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp vì lo ngại đến uy tín, doanh số tức thời, hoặc vì các mục tiêu kinh doanh nên chưa thực sự quan tâm đến việc cùng chung tay chống lại hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trítuệ. Khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo không ít doanh nghiệp còn nói rằng việc công bố tình trạng hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm, khiến người tiêu dùng không muốn mua hàng của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp lo ngại nếu công bố đặc điểm phân biệt hàng thật, hàng giả, đối tượng gian lận sẽ biết được đặc điểm hàng thật để tiếp tục sản xuất hàng giả.
Cuộc chiến chống hàng giả sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đóng vai trò “lực đẩy”, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phát hiện hàng giả, hàng nhái của chính các doanh nghiệp trên thị trường, qua đó để bảo vệ chính doanh nghiệp và người tiêu dùng