0908.326.779 - 0906.362.707
 

Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái

08/09/2017    4.33/5 trong 6 lượt 
Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái
Trong thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Xung quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh

- Nhiều người cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng giả, hàng kém chất lượng đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, hàng giả tập trung chủ yếu là hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, hàng giả về công dụng chất lượng. Trong nhóm hàng giả mạo nhãn hiệu thì lượng hàng giả về thời trang, điện máy, điện tử chiếm tỷ trọng cao.

Về hàng hóa xâm phạm quyền (thường gọi là hàng nhái) ngành chức năng chủ yếu giải quyết theo yêu cầu của chủ thể quyền, số vụ việc phát sinh không nhiều. Nhóm hàng hóa vi phạm thường là vật liệu xây dựng, đồ kim khí, mỹ phẩm. Hành vi vi phạm này rất khó xử lý vì các cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ cần thay đổi những chi tiết nhỏ của nhãn hiệu chính hãng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Hoạt động SXKD hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện chưa có dấu hiệu giảm. Một số mặt hàng thường bị giả mạo nhãn hiệu như bột niêm, bột ngọt, rượu, mỹ phẩm, các loại sửa tắm, dầu gội… Các cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính sẵn sàng đối phó với cơ quan chức năng bằng cách hoạt động ngoài giờ hành chính, sản xuất hàng giả di động, tận dụng những nơi hẻo lánh hoặc nhà trọ công nhân… để sản xuất hàng giả. Mức độ SXKD hàng giả tinh vi ngày càng gia tăng, khó phân biệt được giữa hàng thật, hàng giả...

- Thưa ông, hoạt động SXKD hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay tác động như thế nào đến quyền lợi người tiêu dùng, đơn vị SXKD chân chính và Nhà nước?

- Đối với nhà sản xuất chân chính, bị làm giả, làm nhái sản phẩm của mình sẽ làm mất uy tín, mất niềm tin của người tiêu dùng và đương nhiên sẽ tác động không tốt đến kết quả kinh doanh của công ty. Đối với người tiêu dùng, khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái sẽ bị thiệt thòi vì chất lượng hàng hóa không bảo đảm, thậm chí còn ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, sức khỏe bản thân. Điều đáng nói, khi có sự cố xảy ra nhiều người tiêu dùng chưa biết giải quyết như thế nào.

Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái thường không đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động sản xuất xen lẫn vào trong các sản phẩm chính nhưng không khai báo thuế, không khai báo tất cả các thủ tục liên quan về chất lượng sản phẩm hàng hóa… nên không mất chi phí, lợi nhuận lại cao. Trong khi đó, Nhà nước sẽ mất đi một nguồn thu đáng kể vào ngân sách.

Như vậy, những thành phần chính tạo nên động lực phát triển nền kinh tế đều bị ảnh hưởng không tốt vì hoạt động sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái.

- Xin ông cho biết, ngành QLTT tỉnh đã có những biện pháp như thế nào để giải quyết hiệu quả tình trạng nói trên?

- Trước hết, ngành QLTT tỉnh vẫn tiếp tục xem công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật là công tác quan trọng hàng đầu. Qua các hoạt động tuyên truyền như tờ rơi, bản cam kết, hội nghị, hội thảo, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng… nhằm xây dựng ý thức pháp luật về phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, ngành sẽ ký kết và tăng cường thực hiện thỏa thuận hỗ trợ giữa các cơ quan chức năng, giữa cơ quan chức năng với chính quyền và tổ chức đoàn thể, quần chúng ở cơ sở nhằm cung cấp thông tin, xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái trên địa bàn.

Ngành QLTT tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác trinh sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái. Tôi cho rằng, một trong những yêu cầu cần thiết nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước về vấn đề này chính là sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước, nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng

THOẠI PHƯƠNG