Còn gần một tháng nữa năm học mới sẽ chính thức bắt đầu, tuy nhiên thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo và các loại đồ dùng học tập đã bắt đầu sôi động, thậm chí nhiều đối tượng đua nhau in lậu sách bán ra thị trường
Bắt nhiều vụ in lậu lớn
Ngày 9/8, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện 2 cơ sở in là Công ty In Tràng An và Nhà in Khoa học Công nghệ mới, trong khu công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm vi phạm quy định về in ấn thu giữ số lượng lớn
sách giáo khoa in lậu. Liên tiếp trong thời gian qua Đội QLTT số 14, Chi Cục QLTT Hà Nội đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở in ấn sách lậu trên địa bàn Hà Nội. Thu giữ hàng chục tấn sách giáo khoa các loại… giá trị nhiều tỷ đồng.
Điều đáng nói là tình trạng in lậu sách đang khá phổ biến với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, NXB, bạn đọc và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về mức thiệt hại được chính thức đưa ra từ những cơ quan hữu trách, nhưng theo ước tính của giới kinh doanh sách thì con số thiệt hại do sách lậu gây ra mỗi năm phải lên đến nhiều tỷ đồng.
Trước đây, việc in lậu sách chỉ dừng lại ở những đầu sách mới, sách bán chạy thì hiện nay ngay cả giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo, sách tiếng anh… cũng bị in lậu, in giả một cách trắng trợn. Các lỗi thường gặp phải của các nhà in sách lậu là không xuất trình được hợp đồng, in với số lượng lớn vượt quá giấy phép… không vào sổ in theo quy định…; Để góp phần đẩy lùi vấn nạn này, cơ quan quản lý nhà nước cũng lập nhiều tổ, đội kiểm tra liên ngành, song kết quả chưa được như mong đợi. Vì thế nhiều đơn vị, NXB vẫn loay hoay tìm cách đối phó với sách lậu theo kiểu “sống chung với lũ”.
Ông Vũ Bá Khánh, Tổng GĐ Công ty CP đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội thuộc NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng: Giải pháp chống in lậu hữu hiệu nhất của NXB là sử dụng tem
chống giả. Rất nhiều vụ làm sách giả của NXB Giáo dục VN được phát hiện trên thị trường nhờ tem chống giả này. Tuy nhiên tem chống giả vẫn bị làm giả. Bởi thực tế, người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được đâu là sách thật, sách giả dù có tem chống giả. Việc làm này ảnh hưởng đến uy tín của các NXB thậm trí ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là các sách tiếng anh, sách có bản quyền của đối tác.
Cũng theo ông Khánh, để chặn tình trạng bán sách lậu, các cơ quan chức năng cần làm chặt chẽ từ cấp phép in ấn, đến kiểm tra, phát hành. Đồng thời, đưa ra nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể truy cứu hình sự. Bên cạnh đó, chính độc giả những người mua cũng nên tẩy chay sách lậu bằng cách tìm mua sách ở những nhà sách, hiệu sách có uy tín.
Hình phạt quá nhẹ không đủ răn đe
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Duy Hải, đội 14 quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: Việc in lậu là một thực trạng nhức nhối, đáng báo động. Trong thời gian qua, lực lượng chống in lậu trong và ngoài ngành Giáo dục đã vào cuộc, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc. Tuy nhiên, hiện tượng in lậu vẫn tồn tại vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chống in lậu, điều chỉnh các chế tài, hình phạt đủ mạnh để răn đe. Sách in lậu chất lượng kém, hình ảnh không rõ ràng, chữ nhoè mờ, có nhiều sai sót về kiến thức ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Theo đại diện PA87, Công an thành phố Hà Nội: Với khung hình phạt tối đa không quá 30 triệu đồng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Trong khi đó có thể kiếm lợi bất chính hàng tỷ đồng mỗi năm, sẵn sàng nộp phạt xong lại hoạt động với quy mô lớn hơn, với kinh nghiệm đối phó và các thủ đoạn tinh vi hơn. Điều đó cho thấy nạn in lậu sách nói chung và sách giáo dục nói riêng vẫn rất nhức nhối.
Về việc này, lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phối hợp chống in lậu giữa các ngành có nơi còn chưa thường xuyên, thiếu kịp thời, việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác này còn ít diễn ra, chưa phối hợp tốt để xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động in. Theo đó trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; lập hòm thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân ...