0908.326.779 - 0906.362.707
 

Người tiêu dùng khó khăn truy xuất nguồn gốc sản phẩm

17/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Người tiêu dùng khó khăn truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Truy xuất nguồn gốc là giải pháp cho phép người tiêu dùng trực tiếp thu thập đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó khăn trong việc “nhận diện” hàng hóa chất lượng cũng bởi chưa quen truy xuất nguồn gốc.

Lấy ví dụ về những thực phẩm “Made in Japan”, nhiều người cho rằng ghi như vậy đồng nghĩa rằng nguồn gốc hoàn toàn từ Nhật Bản, nhưng thực tế Nhật Bản chỉ là nơi sản xuất, đóng gói, còn nguyên liệu có thể đến từ bất cứ quốc gia nào và thông tin này thường không xuất hiện trên bao bì. Nếu áp dụng truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng dễ dàng tra cứu để biết rõ nguyên liệu được trồng trọt hay chăn nuôi thế nào, có sử dụng phân bón hóa học hay chất kháng sinh không, thời gian thu hoạch, điều kiện bảo quản, dây chuyền sản xuất hay khâu kiểm định chất lượng ra sao? Nói cách khác, mọi dữ liệu liên quan đến quá trình tạo ra thành phẩm đều được công khai minh bạch. 


Sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm đọc mã vạch được người tiêu dùng sử dụng
để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay, người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn hơn cả trong việc truy xuất với ngành hàng thực phẩm tươi sống. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, tổ 25, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang), việc truy xuất hàng hóa hầu như hiện nay chỉ áp dụng với hàng đóng gói sẵn, còn hàng thực phẩm tươi sống thì rất ít. Nên khi chọn mua rau củ, thịt cá bà chỉ tập trung vào việc xem mặt hàng đó có tươi, còn nguyên vẹn hay không, kế đến là giá cả. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Lương Nhân, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường thành phố Tuyên Quang cho biết: “Để giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, đội cũng đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng như ban quản lý các chợ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, lực lượng công an nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện những chủ hàng kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, trước tiên người tiêu dùng phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng trước khi mua hàng”.

Ông Hoàng Trung Chính, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương khẳng định, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và “giữ” thị phần, nhiều nhà sản xuất đã thực hiện in mã sản phẩm riêng trên bao bì của mỗi sản phẩm để tránh hàng nhái, hàng giả. Cùng với việc đăng ký mã số, mã vạch là hiển thị Website trên bao bì để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất. Hiện nay, nhiều người cũng đã cài đặt phần mềm trên smartphone, chụp lại mã số, mã vạch của sản phẩm; hay mã QR Code (mã phản hồi nhanh) hay còn gọi là mã vạch ma trận là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm mang mã vạch giả hoặc không đúng tiêu chuẩn, phần mềm sẽ bật cảnh báo. Tuy nhiên, khi truy xuất người tiêu dùng cần lựa chọn những phần mềm hiện đại, chính xác để khi nhập mã số của hàng hóa vào website của doanh nghiệp đó thông tin về sản phẩm sẽ được hiển thị chuẩn xác và đầy đủ

Báo Tuyên Quang