0908.326.779 - 0906.362.707
 

Xác định nguồn gốc và sự bất ổn trong công cuộc chống hàng giả

08/02/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Xác định nguồn gốc và sự bất ổn trong công cuộc chống hàng giả
Người tiêu dùng rất hồ hởi đón nhận dịch vụ xác thực nguồn gốc hàng hóa bằng tin nhắn do công ty VNPV cung cấp. Nhưng “dịch vụ xác thực tức thời nguồn gốc hàng hoá qua mạng viễn thông” liệu có là một biện pháp chống hàng giả khá hiệu quả và quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm?

Theo như đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: “Đây là giải pháp có tính kỹ thuật, giúp bảo vệ được cả nhà sản xuất, phân phối chân chính, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tự mình kiểm tra, nhận biết nguồn gốc hàng hoá; đồng thời cũng hỗ trợ cơ quan chức năng trong xác minh, xử lý nhanh và chính xác với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả”. Nhưng theo tôi, dường như có gì đó không ổn.

Gốc của vấn đề chống hàng giả

Gốc của câu chuyện chống hàng giả nên nhìn nhận từ góc độ của quyền tự do kinh doanh. Câu chuyện giản dị lắm, một sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, nó là thành quả của một quá trình đầu tư lâu dài và tốn kém của doanh nghiệp. Nhìn từ góc độ như vậy, bản chất của hành vi sản xuất hàng giả ngoài việc xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng, trước hết nó đã trực tiếp xâm hại đến quyền lợi của doanh nghiệp. Như vậy, một khi đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh của nghiệp, Nhà nước phải có những cơ chế để bảo đảm cho thành quả đầu tư của doanh nghiệp trước những hành vi làm hàng giả.

Phải khẳng định rằng, rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam về vấn đề chống hàng giả là tương đối đầy đủ, được trải dài từ các biện pháp mang tính tư như các biện pháp bồi thường trong pháp luật dân sự, cơ chế bảo hộ trong pháp luật sở hữu trí tuệ, chống cạnh tranh không lành mạnh trong luật cạnh tranh đến các biện pháp mang tính hành chính như xử phạt hành chính, tịch thu hàng giả đến các chế tài mang tính hình sự.

Với một cơ chế chống hàng giả trải rộng như trên, rõ ràng doanh nghiệp sản xuất chân chính có quá nhiều lựa chọn trong việc chủ động phòng chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình từ khởi kiện theo thủ tục dân sự đến yêu cầu sự bảo hộ của Nhà nước thông qua các cơ chế mang tính hành chính và hình sự. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp lại đang loay hoay tìm cho mình một cơ chế hữu hiệu để tồn tại trong cơn lốc hàng giả.

Phải chăng quản lý bất lực?

Dưới góc độ quản lý nhà nước, các cơ chế bảo vệ thành quả lao động của doanh nghiệp trước các hành vi làm hàng giả như trên là một cam kết chắc chắn của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng các qui định của pháp luật suy cho cùng chỉ nằm trên giấy nếu nó không được thực thi trên thực tế. Biến những cam kết của Nhà nước thành các hành động cụ thể là một khâu rất quan trọng của quá trình quản lý nhà nước.

Lựa chọn của các doanh nghiệp trong cơn lốc hàng giả là gắn một cái mác lên sản phẩm và bảo đảm rằng nó là hàng thật ( tem chống hàng giả). Nhưng đến lượt cái tem chống hàng giả cũng bị làm giả nốt! Đến thời điểm hiện tại thì lựa chọn là xác thực nguồn gốc thông qua viễn thông.

Trong một chừng mực nào đó, biện pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa thông qua viễn thông mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Dẫu vậy, cũng chính biện pháp đang được doanh nghiệp lựa chọn và được cơ quan có thẩm quyền cổ xúy lại thể hiện một khía cạnh đáng buồn trong câu chuyện về quản lý Nhà nước về chống hàng giả. Nói cách khác, cái gốc của vấn đề chống hàng giả là thực thi nghiêm túc các qui định pháp luật về chống hàng giả một cách đồng bộ từ lĩnh vực pháp luật dân sự cho đến các chế tài phạt tiền và xử lí hình sự chứ không phải là việc đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng tự xác định nguồn gốc hàng hóa. Để thực thi công tác chống hàng giả chúng ta đã lập ra những bộ máy rất cồng kềnh để thực thi các qui định này từ Quản lí thị trường đến công an kinh tế.

Như vậy, một khi thực thi tốt các qui định này, các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả phải đối mặt với các chế tài nghiêm khắc mà đôi khi lợi nhuận của toan tính gian dối kia chưa đủ để so sánh với những gì mà pháp luật nghiêm cấm. Cũng đồng nghĩa, hàng giả hầu như khó có cơ hội bước chân vào thị trường và “lộng hành” như hiện nay.

Do vậy, việc cổ xúy cho một biện pháp chống hàng giả mang tính tùy nghi, ngoài luật như xác thực hàng hóa bằng viễn thông, phải chăng là sự thừa nhận một sự bất lực trong công tác quản lý và thực thi pháp luật trước vấn nạn hàng giả?

Khuyến nghị từ thực tế

Bản thân hoạt động xác thực nguồn gốc hàng hóa thông qua viễn thông cũng mang nhiều yếu tố tích cực. Nó là một trong những cách thức hữu hiệu bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và cho cả doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh công tác phòng chống hàng giả còn nhiều hạn chế như hiện nay. Do vậy, trước mắt vẫn phải đẩy mạnh chất lượng của hoạt động này. Nhưng về lâu dài, cần phải đẩy mạnh việc thực thi pháp luật chống hàng giả, chỉ có như vậy mới bảo đảm triệt để quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và cho cả người tiêu dùng.

 

Công ty CP Xác thực Hàng hóa Việt Nam (VNPV) được thành lập theo sự chỉ đạo của Chính phủ do ban chỉ đạo 127 TW phối hợp với Công ty 129 – Ban cơ yếu Chính phủ thực hiện triển khai cung cấp dịch vụ xác thực tức thời nguồn gốc hàng hoá qua mạng viễn thông. Theo đó, các sản phẩm đã đăng kí sẽ dán tem xác thực của VNPV là chiếc tem nhỏ. Cơ chế hoạt động là, dưới mỗi lớp phủ màu bạc của tem là một mã code, được mã hoá tương ứng với mã số của sản phẩm của một nhà sản xuất. Khi nhà sản xuất dán tem này lên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ cào mã số gửi về tổng đài để xác thực là sản phẩm chính hãng hay không. Khi tổng đài phản hồi có câu “Đây là sản phẩm chính hãng” thì khách hàng có thể yên tâm là đã không mua phải hàng giả.
Phạm Hoài Huấn