Có thể hiểu đây là một giải pháp gấp rút cho tình trạng sách lậu ở Việt Nam. Hơn 10 năm sau khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ, vấn nạn sách lậu không hề giảm. Ngược lại, với chất lượng in lậu ngày càng cao cùng chi phí rẻ, thời gian in lậu ngày càng rút ngắn, sách in lậu đang trở thành mối đe dọa sự sống còn của các nhà xuất bản. Đặc biệt hơn, tình trạng sách lậu gây ra sự giảm sút trong thu nhập đến từ quyền tác giả, là lý do nhiều đối tác nước ngoài muốn cắt hợp đồng với các nhà xuất bản ở Việt Nam. Sách hay, vì sách lậu mà trở nên hiếm, người yêu sách vì thế cũng là nạn nhân của vấn nạn này.
Theo một thống kê năm 2015 đăng trên tờ Nhân Dân liên quan đến một nhà xuất bản nổi tiếng Việt Nam thì trong số 300 đầu sách bán chạy gồm cả sách mua bản quyền từ nước ngoài thì có tới hơn 200 đầu sách bị in lậu với số lượng lớn. Có thể nói, sách lậu đã trở thành “tình trạng báo động” cho ngành xuất bản nước nhà.
Giải pháp dán tem cho sách để chống sách in lậu ra đời trong bối cảnh này. Thực ra, đây không phải là giải pháp mới vì từ vài năm nay, đã có nhà xuất bản dùng “tem thông minh” để dán lên trên các ấn phẩm để sách giả khó bắt chước. Với chiếc tem này, độc giả có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm để biết sách mình mua là thật hay in lậu. Tuy nhiên, hiện nay, việc Cục Xuất bản, in và phát hành yêu cầu các nhà xuất bản dán tem như là một giải pháp cơ bản để chống lại nạn in và buôn bán sách lậu là chưa thực sự thuyết phục về mặt hiệu quả thực tế.
Nhìn ở khía cạnh ngăn chặn hành vi in sách lậu, việc dán tem “chống sách lậu” có vẻ không thay đổi được gì nhiều. |
Nhìn ở khía cạnh ngăn chặn hành vi in sách lậu, việc dán tem “chống sách lậu” có vẻ không thay đổi được gì nhiều. Rõ ràng là sự hiện diện của con tem này trên sách hoàn toàn không có khả năng ngăn ngừa việc sao chép sách trái pháp luật, ngược với các biện pháp quản lý quyền sở hữu nội dung số (Digital Right Management - là giải pháp liên quan đến việc kiểm soát và bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ nội dung số) thường được dùng cho sách điện tử hay băng đĩa phim, ca nhạc có khả năng ngăn chặn việc sao chép các nội dung này.
Đồng thời, không gì có thể đảm bảo rằng “tem” lậu sẽ không được sản xuất để dán cho sách lậu. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà công nghệ phát triển từng ngày, điều cho phép các nhà in sách lậu nhanh chóng cập nhật kỹ năng “nhái” đến mức hoàn hảo nhất, nhanh nhất và với chi phí cạnh tranh tốt nhất.
Còn khi đứng trên phương diện cơ quan chức năng xử lý vi phạm bản quyền, thì việc đưa ra kết luận có hay không có hành vi buôn sách lậu có lẽ không nhất thiết phải dựa trên việc sách bày bán có tem hay không có tem. Có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn, và đơn giản hơn, vẫn đang được dùng để phân biệt sách thật hay sách “lậu” như kiểm tra hợp đồng, giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sách.
Ngoài ra, phải công nhận rằng sách lậu vẫn tồn tại và phát triển tốt ở Việt Nam là vì phần lớn người đọc vẫn chưa có văn hóa tôn trọng bản quyền. Những người này sẵn sàng mua sách lậu giá rẻ thay vì mua sách có bản quyền bán tại các cửa hàng uy tín. Đứng dưới góc độ này, việc có tem hay không có tem trên sách sẽ không thay đổi nhiều hành vi mua sách của người đọc, và hiệu quả vì thế cũng rất hạn chế.
Khi so sánh thực trạng sách lậu ở Việt Nam và ở nước ngoài, dễ dàng để nhận thấy rằng có một sự khác biệt to lớn. Sách giấy in lậu ở các nước phát triển hầu như bị xóa sổ hoàn toàn, mà chỉ còn tồn tại việc đọc sách hay xem phim, nghe ca nhạc không có bản quyền trên mạng (điều mà các nhà xuất bản, nhà sản xuất đang đau đầu tìm cách ngăn chặn). Điều này được giải thích chủ yếu bởi khả năng quản lý rất hiệu quả của các quốc gia đối với việc in ấn, sao chép, dẫn đến kết quả ngăn chặn sách in lậu rất tốt.
Ở Việt Nam, dù các quy định pháp lý cấm vi phạm bản quyền đã có khá đầy đủ nhưng việc thực thi không hiệu quả, do còn nhiều bất cập, thiếu rõ ràng trong các điều khoản liên quan đến áp dụng luật. Ví dụ như cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi xâm phạm bản quyền thường được ưu tiên vì giải quyết các khiếu nại nhanh hơn, nhưng nạn nhân của hành vi vi phạm lại không thể đòi bồi thường thiệt hại, do khoản tiền phạt vi phạm bị nộp thẳng vào ngân sách nhà nước. Hơn nữa, các cơ quan hành chính này còn có tình trạng đùn đẩy về trách nhiệm, chồng chéo về thẩm quyền. Còn khi mang vụ việc vi phạm luật bản quyền ra trước tòa để đòi bồi thường thiệt hại, thì lại mất rất nhiều thời gian, khó đáp ứng yêu cầu giải quyết khẩn cấp.
Vì thế, để đối phó với tình trạng sách lậu lan tràn ở Việt Nam hiện nay, một mặt các nhà xuất bản phải biết “tự bảo vệ” bản thân bằng cách nắm rõ luật, luôn phản ứng nhanh khi phát hiện ra các trường hợp in sách lậu gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh và xuất bản của mình. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xem xét nâng cao chất lượng áp dụng luật, nhằm bảo vệ các nhà xuất bản một cách hiệu quả hơn, ví dụ như đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện, ưu tiên các biện pháp giải quyết khẩn cấp, đồng thời nâng cao mức độ phạt các vi phạm bản quyền, cũng như mức độ bồi thường cho bên nạn nhân. Ngoài ra, cũng không kém phần quan trọng là việc nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách lậu. Cụ thể, cần có các chương trình giáo dục từ cấp cơ sở đến đại học và đến đại chúng nhằm nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền, kiên quyết nói không với sách lậu.
Kết hợp giữa giáo dục và việc nâng cao chất lượng pháp luật trong cuộc chiến với sách lậu này là giải pháp có tính lâu bền và hữu hiệu nhất, chứ không phải là việc dán tem cho sách - vừa tốn kém lại không hiệu quả thực tiễn.
Cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Để khuyến khích sáng tạo và tạo động lực cho xã hội phát triển, cả cơ quan quản lý nhà nước và công chúng (người tiêu dùng) cần phải thực hiện “ khế ước xã hội “ trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước
Vai trò điều tiết cung cầu trong vấn đề độc quyền có lẽ còn xa xỉ ở Việt Nam nên ở đây chỉ bàn đến vai trò ban hành quy định, giám sát và thực thi việc bảo vệ quyền tài sản của người sáng tác. Các quy định cần rõ ràng, minh bạch, đơn giản và chế tài mạnh mẽ. Hành vi in lậu, sao chép xuất bản phẩm trái phép phải bị coi như là hành vi trộm cắp tài sản. Như vậy, việc dùng tem để chống lại là không cần thiết, có khi còn tạo thêm kẽ hở cho sai phạm và tăng chi phí chung của toàn xã hội. Việc xác định những nơi, những người tham gia “ trộm cắp “ không khó để phát hiện và xử lý, chỉ cần minh bạch và không dung dưỡng những người tiếp tay cho sai phạm này.
Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích sáng tạo, nhất là về mặt tài chính cần được hỗ trợ tối đa với các giải thưởng, các quy định ưu đãi về thuế từ thu nhập do hoạt động sáng tạo. Một số quốc gia còn đánh thuế lên các sản phẩm được dùng để sao chép sản phẩm gốc như đĩa trắng, giấy dùng để in sách... như là một công cụ để điều tiết.
Trách nhiệm của công chúng
Khi người tiêu dùng đặt mình vào vị trí người sáng tạo, sẽ hiểu được mình cũng cần có sự bù đắp cho những gì đã đầu tư, và điều ấy cần thiết cho sự phát triển nói chung. Nếu không có được sự bù đắp xứng đáng, người ta sẽ không có động lực cho những sáng tạo mới. Vì vậy, cần tôn trọng quyền tài sản của người khác khi muốn người khác tôn trọng quyền tài sản của chính mình
|