Trên thị trường hàng tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm dán tem, nhãn giả và rất khó để phân biệt. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất làm ăn chân chính, mà còn "móc túi" người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân…
Nhập nhằng tem, nhãn thật - giả
Qua ghi nhận ý kiến người tiêu dùng, chất lượng và giá cả là mối quan tâm hàng đầu khi quyết định mua một loại hàng hóa nào đó. Theo đó, phần lớn người tiêu dùng sẽ căn cứ vào tem, nhãn, nguồn gốc xuất xứ ghi trên sản phẩm để xác định chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều loại tem, nhãn giả, “biến” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thành "hàng thật", "hàng chất lượng cao" đánh lừa người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên trang bị những kiến thức nhận diện tem, nhãn giả khi mua hàng.
Không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cũng thiệt hại nặng nề do tem, nhãn giả. Dòng sản phẩm kem tinh chất mủ trôm của Công ty TNHH Công Nghệ Vĩnh Tân từng bị làm giả từ bao bì đến hỗn hợp kem trong một thời gian dài. Thậm chí ngay cả tem chống giả của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an dán lên vỏ hộp cũng bị làm nhái. Theo doanh nghiệp này, giá hàng giả chỉ bằng một nửa hàng chính hãng, nên nhiều tiểu thương vì lợi nhuận đã nhập về bán cho người tiêu dùng với mác "hàng thật". Cơn lốc hàng giả làm doanh nghiệp này bị sụt giảm doanh số tới 90%. Dù bị giảm lượng khách hàng lớn, nhưng lãnh đạo công ty vẫn cho rằng mình gặp may vì nhiều trường hợp khác đã phải phá sản.
Hiện nay, các loại tem, mác sản phẩm bị làm giả được chào bán tràn lan trên thị trường. Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên Google có thể cho hàng trăm kết quả dịch vụ sản xuất, cung cấp các tem, nhãn cho nhiều loại sản phẩm, bao gồm cả các loại tem chống giả. Để hiểu rõ hơn về thị trường tem, mác giả và các sản phẩm bị giả mạo đang được bày bán tràn lan, công khai trên thị trường, chúng tôi đã liên lạc với một địa chỉ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh và được tư vấn rất nhiệt tình. Theo đó, cơ sở này sẵn sàng cung cấp cho khách hàng rất nhiều mẫu tem chống giả; kích thước nào cũng có... không cần giấy chứng nhận kinh doanh hay các loại giấy tờ pháp lý khác. Và dù cho là bất hợp pháp nhưng cơ sở này vẫn báo giá rất chi tiết các loại tem, nhãn khách hàng cần in.
Khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát
Thị trường in ấn tem chống giả tại TP Hồ Chí Minh hiện khá phức tạp, bởi sự tham gia của các cơ sở không có chức năng in tem chống giả mà vẫn hoạt động dưới những hình thức khác nhau. Theo ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản-In-Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, muốn in tem phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký thuế, giấy đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm… nếu kinh doanh các mặt hàng có điều kiện thì phải có giấy kiểm nghiệm. Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ giấy tờ trên không phải cơ sở nào cũng có.
Cũng theo ông Trịnh Hữu Anh, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh chỉ cấp giấy phép cho 10 cơ sở in tem chống giả, nhưng hiện nay có đến hơn 100 cơ sở in loại tem này. Trong số đó có những cơ sở chỉ làm dịch vụ, nhận in… Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 100 triệu đồng. Cơ sở in đàng hoàng thì tuân thủ nhưng những cơ sở nhỏ thì bất chấp vì lợi nhuận, chỉ cần một cái máy qua một đêm là có thể in được cả trăm nghìn con tem. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra, làm quyết liệt để giải quyết tình trạng in lậu tem, nhãn giả.
Chính sự luồn lách của các đơn vị dịch vụ in ấn, sự bất chấp của các cơ sở in lậu đã tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt trên thị trường. Không khó để tìm thấy những sản phẩm giá rẻ bất thường, chất lượng đáng ngờ mà vẫn được dán tem bảo đảm. Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, tình trạng hàng giả, đặc biệt là hàng nhái đang làm đau đầu cơ quan quản lý, bởi thủ đoạn dán tem, nhãn giả hết sức tinh vi và chỉ có cơ quan chuyên ngành, bằng kỹ năng nghiệp vụ mới phát hiện ra các loại tem, nhãn giả. Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng rất khó phát hiện các loại tem, nhãn giả bởi không có chuyên môn để kiểm tra thông tin trên tem nhãn và các đối tượng làm giả rất tinh vi. Hơn nữa, thói quen mua hàng dựa vào niềm tin tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái dùng mẫu mã giả, tem, nhãn giả ngụy trang. Ông Bách khuyến cáo: "Các doanh nghiệp muốn đưa ra giải pháp bảo vệ sản phẩm của mình, cần nghiên cứu tìm hiểu các quy định in như thế nào để bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, có như vậy mới giảm được sự ăn theo, gian dối".
Được biết sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở in ấn. Về phía người tiêu dùng, khi mua hàng hóa nên lựa chọn những nơi uy tín, sản phẩm có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng, phải luôn yêu cầu nơi bán hàng cung cấp hóa đơn bán hàng, giấy bảo hành sản phẩm