0908.326.779 - 0906.362.707
 

Sống/chết vì cái mác

01/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Sống/chết vì cái mác
Cuối những năm 1990, khi các thương hiệu ngoại chưa đổ bộ nước ta, chuỗi siêu thị Vinatex bán sản phẩm may mặc sản nội địa nổi lên thành hiện tượng. Thanh niên mới đi làm là chúng tôi khi đó hay lục lọi trong cửa hàng Vinatex to nhất ở phố Bà Triệu, vớ được món nào là hàng xuất (nguyên liệu kiểu dáng nước ngoài, gia công tại Việt Nam) thì lấy làm khoái chí. Vừa đẹp, độc lại rẻ

Rồi chuỗi cửa hàng tư nhân đưa luôn “Made in Vietnam” lên bảng hiệu ra đời tập trung chính vào loại hàng xuất dư đó và lập tức thành công. Các cửa hàng con mọc lên như nấm, bị nhái cũng nhiều vì Made in Vietnam là của chung, ai dám độc quyền thương hiệu. Giờ thì các thương hiệu bán lẻ chuyên doanh sản phẩm thời trang xuất khẩu vẫn phình to không ngừng, chưa kể các cửa hàng lẻ tẻ giăng khắp ngõ ngách. Không hiểu hàng Việt xuất đâu ra lắm thế, xuất chán chê rồi mà trong nước vẫn ê hề.

Nhưng rồi người tiêu dùng tinh ý bắt đầu phát hiện thấy những sản phẩm có vấn đề về mác trong một số cửa hàng kể trên. Chẳng hạn cổ áo đính Made in Vietnam nhưng thân áo vẫn Made in China. Rồi nhiều xưởng may cũng làm hàng nhái trà trộn vào chả biết thế nào. Báo chí lên tiếng về chuyện này từ vài năm trước nhưng mọi việc rơi vào… Thực ra là chả rơi vào đâu cả. Vì chắc mọi người đều chấp nhận. Người tiêu dùng tặc lưỡi vì mình thi thoảng có bị lừa cũng chẳng đáng là bao. Nhiều người còn chả phát hiện ra. Việc làm giả cũng không tập trung vào một thương hiệu quốc tế nào để bị họ kiện.

Cách đây ít năm một bạn trẻ có vài cửa hàng chuyên bán đồ công sở vô tư thổ lộ: “Bọn em toàn nhập hàng Trung Quốc về rồi cho công nhân đính mác của mình vào để bán. Thế giá mới cao được”. Chả là tôi phục cậu tuổi trẻ tài cao nên có tò mò về nhà xưởng, thiết kế... Tôi hơi choáng. Nhưng rồi cũng nghĩ chắc nhiều người đã và đang làm thế và cậu ta chỉ đi theo. Tất nhiên hồi đó tôi không hề nghĩ tới chuyện đi báo cơ quan chức năng.

Sao bao năm làm ăn với một chiêu thức thủ công đơn giản như thế mà Khaisilk không bị lộ?! Phải chăng diễn biến câu chuyện giống trong Hoàng đế cởi truồng. Ai cũng thấy và lờ đi, cho đến khi một đứa trẻ lên tiếng. Chắc chắn rất nhiều nhân viên của ông Khải biết sự thật đằng sau cái cái mác “Khaisilk- Made in Vietnam” nhưng đã không nói. Mà thôi, ông Khải cũng đã (đại diện) nhận lỗi rồi.

Doanh nhân Hoàng Khải trước đây thường xuyên online Facebook để làm việc và giao lưu với người hâm mộ. Hẳn đã quen dùng Facebook như kênh thông tin với “boss” (ông chọn từ này để miêu tả mình(*)) nên giữa cơn khủng hoảng lại có người vào Facebook ông để lại một câu: “Toàn thể nhân viên Khaisilk Hà Nội chúng em nợ anh một lời xin lỗi”(!) Xin lỗi vì đã không cắt sạch mác hay xin lỗi vì đã không can gián, đã đẩy anh tiến sâu vào con đường làm giàu bằng hàng Tàu?! Thực ra tầm cỡ của Khải, ông ấy chả đẩy cho thì thôi. Rất tiếc tôi không tìm ra được trang Facebook của ông Khải nữa, để tận thấy bình luận đã được người khác chụp lại kia. Nên thôi, coi đây là một chi tiết phiếm dụ minh họa cho thói xuề xòa và quan điểm khác người trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và thương mại của dân mình.

Như trên sân khấu ca nhạc, các ngôi sao vẫn điềm nhiên hát vang những bài bị cho là đạo nhạc, đạo beat, ngán gì đâu! Như chuyện mấy chị nhà ta hiên ngang khoác túi hàng hiệu đi ở sân bay ngoại quốc, bỗng bị nhân viên chống hàng giả vớ lấy cắt te tua cái túi hóa ra là đồ rởm. Ở Ý, Pháp không những người bán mà người mua túi rởm nghe nói cũng phải nộp phạt gấp đôi giá trị hàng thật, nếu không muốn ngồi tù. Vì với họ mua hàng giả cũng giống như tiêu thụ đồ ăn cắp. Ở ta chuyện hàng giả hàng nhái nhẹ như lông hồng. Tức là biết thừa hàng giả những vẫn mua, vẫn dùng. Đâm ra nhìn thấy những hoa văn của chẳng hạn Louis Vuitton cứ nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, tôi thấy cũng thường, thậm chí nhàm chán. Đó là một tác hại về nhận diện mà hàng nhái gây ra cho hàng thật.

Tôi cũng lờ mờ hiểu vì sao hơn hai thập kỷ nay, người Việt chỉ có Khaisilk mà không có các Xsilk, Ysilk… nào khác. Một là vì ông Khải giỏi, đã nhanh chóng phát huy thương hiệu sang những ngành kinh doanh khác để lớn mạnh. Mặt khác đó là hệ quả của việc ăn ngọn mà phạt gốc. Nếu ông Khải quả thật phát đạt nhờ lụa Việt, hẳn ông đã tạo nên vài vùng nguyên liệu, một hệ thống nhà xưởng, một đội ngũ nghệ nhân, thiết kế... Ngành lụa Việt hẳn đã khởi sắc hơn và nhiều khả năng đã có những thương hiệu lụa khác nổi lên bên cạnh Khaisilk. Các ngành khác có lâm tình trạng tương tự không thì không biết nhưng rõ ràng Việt Nam vẫn đang nhập siêu, vẫn là người tiêu dùng của thế giới- nhất là của đại công xưởng kề bên: Trung Quốc.

“Chết vì cái mác” thì tôi cũng có lần. Dăm tháng trước, vào một trang web bán hàng thời trang thấy cặp kính râm ưng ý, tiền triệu nhưng bên dưới đề “Xuất xứ: Italy”. Thế là hời chứ gì. Tôi bèn đặt mua. Khi nhận hàng mới thấy kính chất lượng cũng “hàng mã” thôi, nhưng quan trọng là đính tới hai tem. Tem chống hàng giả đề xuất xứ Trung Quốc, tem của nhà nhập khẩu ghi rõ “Taiwan” bên cạnh tên hiệu kính- tạm gọi là P. Tức là cửa hàng bán kính khẳng định một nơi, nhưng cái chợ điện tử (tập hợp các cửa hàng thời trang trên cả nước) kia lại khăng khăng nẻo khác. Và đó lại chính là “nẻo” mà những khách hàng như tôi bị dẫn dụ.

Sau đó tôi mang trả lại nhưng không được chấp nhận với lý do mắt kính bị xước. Tôi không quên phàn nàn với nhân viên tiếp nhận về xuất xứ bất nhất của sản phẩm. Nhưng vừa mới đây (khi cái kính đã hỏng), mở trang web nọ ra, tôi vẫn thấy những cặp kính P. vẫn vẹn nguyên xuất xứ Italy. Vài trang thương mại điện tử khác nếu không đả động gì đến xuất xứ của P. thì lại cho nó di cư sang Hồng Công hoặc Hàn Quốc(?) Tôi không biết đây có phải kiểu thiếu sót quên cắt mác hay là sự chủ ý có hệ thống. Dù sao tôi cũng có thêm một căn cứ khi chọn chỗ mua hàng.

(*Xem bài phỏng vấn doanh nhân Hoàng Khải cuối năm 2014 được một tờ báo điện tử đặt tít: “Bởi vì tôi là một ông chủ!”

Nguyễn Mạnh Hà