Trong 10 tháng đầu năm cả nước phát hiện gần 4.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, bắt 300 đối tượng, xử lý hình sự 179 đối tượng. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng chái đang có diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước.
Đau đầu vì hàng nhái
Có thể nói, các mặt hàng nhái, giả mạo được bán rất nhiều trên thị trường. Lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt chỗ này thì đối tượng vi phạm lại nhanh chóng thay đổi địa bàn hoạt động. Riêng, trong lĩnh vực công nghiệp xe máy, từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kiểm tra, phát hiện hàng chục ngàn phụ tùng xe máy các loại vi phạm sở hữu trí tuệ.
Những tháng cuối năm tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái có diễn biến phức tạp
Các lỗi vi phạm bao gồm, giả mạo nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp... Trong đó, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Việt Nam đều bị xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã được nước ta bảo hộ. Những mặt hàng giả mạo, kém chất lượng đều tác động trực tiếp đến kinh tế, sức khỏe thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.
Chưa có biện pháp đồng bộ
Tại tọa đàm "Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp" được tổ chức tại TP. HCM mới đây thừa nhận hiện vẫn chưa có biện pháp đồng bộ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm.
Nhiều ý kiến thẳng thắn đánh giá, tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ mà thực sự trở thành "ngành công nghiệp đen tối mục ruỗng" đang tàn phá nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây hoang mang trong xã hội.
Điển hình như vụ phân bón của Công ty Thuận Phong, thuốc chữa bệnh của Công ty VN Pharma, Võng xếp Duy lợi và mới đây là mặt hàng tơ lụa của Khaisilk... Việc thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp vẫn còn nhiều kẽ hở, bất cập khiến việc phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng cho biết, có trường hợp cơ sở biết nơi nhập hàng Trung Quốc nhái hàng Việt về bán, nhưng khi cơ sở báo với quản lý thị trường, đơn vị này đi xong về báo không có phát hiện.
Hiện, vẫn chưa có biện pháp đồng bộ để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Khi đã có phản ánh thông tin, các cơ quan có trách nhiệm cần tích cực phối hợp làm ngay, có như vậy mới sớm giúp cho người tiêu dùng bớt bị thiệt thòi, bà Thu cho biết thêm.
Phải mạnh tay với hàng giả, hàng nhái
Theo Luật sư Đỗ Hải Bình (văn phòng luật sư Quốc Anh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), chế tài xử lý việc sản xuất hàng giả đã được quy định đầy đủ. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe bởi thực tế nhiều đối tượng bị phạt tù còn chưa sợ...
Còn theo ông Trương Quang Ba, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, từ năm 2014 đến tháng 10/2017 đã phát hiện 44.546 vụ về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong 10 tháng qua phát hiện 3.863 vụ, trong đó có những vụ lớn như Khaisilk là vụ việc điển hình.
Về nguyên nhân ông Ba cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái còn tồn tại như bất cập trong cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy; có nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều bộ ngành địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Trong khi đó, lợi nhuận từ hàng gian hàng giả rất lớn. Vì vậy người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp, sản xuất hàng giả để thu lợi bất chính.
Ông Trương Quang Ba cho biết thêm, thời gian tới Ban sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo tiến hành nhiều giải pháp như: Nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương của người đứng đầu; chỉ đạo các bộ, ngành sớm thực thi đầy đủ các quy định về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh chân chính. Vào thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu, hàng giả sẽ tăng cao, vì vậy đơn vị này cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương (Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thành phố - Ban Chỉ đạo 389 thành phố) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phòng, chống hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả hàng hóa tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp...
Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 thành phố triển khai các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hằng năm; kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vào các thời điểm, đặc biệt những tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, tập trung vào các mặt hàng thuốc lá, rượu, sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe nhân dân...
Các sở, ngành, địa phương, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với từng lĩnh vực, từng tuyến, từng địa bàn cụ thể; không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Quảng Ninh: Tăng cường chống buôn lậu dịp cuối năm
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh vừa chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác chống buôn lậu, nhất là vào những tháng cuối năm 2017 và giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Theo đó, các lực lượng cần đặc biệt tập trung kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, thuỷ, hải sản nhập lậu; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu; ngăn chặn hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển các loại pháo nổ từ Trung Quốc qua biên giới vào nội địa...
Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lực lượng Biên phòng và Hải quan tổ chức tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, đường mòn, lối mở, khu vực hai bên "cánh gà” cửa khẩu, các điểm thông quan, địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu. Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, đưa ra biện pháp, giải pháp quản lý các đối tượng thường xuyên qua lại biên giới, phát hiện, bắt giữa, xử lý kịp thời các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, thuỷ hải sản nhập lậu.