0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

28/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề bản quyền trên nhiều lĩnh vực như văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh gần đây cho thấy, giới văn nghệ sĩ cần tự trang bị những hiểu biết bài bản hơn về lĩnh vực mới mẻ này, để bảo vệ tác quyền và lợi ích của chính mình một cách hiệu quả nhất. Để đừng rơi vào tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ồn ào nối tiếp lùm xùm

Khi họa sĩ Bùi Trọng Dư phát hiện một bức tranh sơn mài của mình được chụp lại và biến thành phông nền trong một chương trình truyền hình, chương trình đã kịp phát sóng trước đó cả tuần. “Đây không phải lần đầu tôi bị sử dụng tranh mà không hề được hỏi ý kiến. Lần trước, một đơn vị làm vỏ bao bì đã lấy tác phẩm của tôi in lên hộp bánh. Nhưng cũng thật khó để kiểm soát, bởi ngay cả vụ việc mới nhất này, nếu không có bạn bè cung cấp thông tin thì tôi cũng chẳng hay”, họa sĩ chia sẻ. Ông cũng cho biết đã liên lạc với các đơn vị liên quan, sau đó cũng đã nhận được thù lao. Tuy nhiên, tinh thần của việc thanh toán không theo thỏa thuận ở mức ông muốn mà theo mức bên kia có thể trả.

Nhưng xét về tính chất, vụ vi phạm tác quyền với ông Dư chỉ là hạt cát, trong dòng chảy đời sống mỹ thuật đương đại. Bởi có nhiều vụ vi phạm quyền tác giả lớn hơn hiện vẫn ngang nhiên tồn tại. “Tôi sang Hồng Công, được một người bạn đưa đi chơi. Rồi anh ấy dắt tôi đến chỗ chép tranh, nơi họ sao chép tác phẩm của tôi để đem bán. Bực lắm, nhưng tôi không thể ở lại đó mà theo kiện được nên đành ngậm ngùi chụp một bức ảnh làm kỷ niệm, rồi đi về”, họa sĩ Đào Hải Phong nhớ lại. Ngay tại Hà Nội, tranh nhái của Đào Hải Phong cũng có lúc tràn ngập con phố Nguyễn Thái Học, với giá vài trăm nghìn một bức. Giới mỹ thuật đã một phen sóng gió khi họa sĩ Thành Chương “tố” một tác phẩm của ông bị ký tên Tạ Tỵ khi xuất hiện trong bộ sưu tập Những bức tranh trở về từ châu Âu được trưng bày ngay tại một địa chỉ uy tín là Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Liên quan đến bản quyền, giới văn chương từng có vụ việc dậy sóng cách đây hai năm, khi nhà văn Nguyễn Văn Thọ lên tiếng mạnh mẽ về việc tiểu thuyết Quyên được trang mạng Waka cho phép độc giả thưởng thức với giá 0 đồng. Trong khi đó, tác phẩm này từng mang lại nguồn thu gần một tỷ đồng cho tác giả từ nguồn bán sách giấy và 200 triệu đồng bán tác quyền làm phim. Thực tế là khi đó, nhà văn cũng không hề biết Waka thuộc về ai, còn đơn vị này thì khẳng định đã mua quyền sử dụng tác phẩm của ông, từ chính Ban Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam (VLCC).

Luật sư Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tại Việt Nam cho rằng, nhiều người làm phim đang đánh giá tuổi thọ khai thác tác phẩm điện ảnh quá thấp, trong khoảng 10 năm do chỉ tính đến nguồn thu khi phim ra rạp mà quên đi những nền tảng kỹ thuật số khác đều có thể khai thác tác quyền. Trong khi đó, theo Luật Sở hữu trí tuệ, vòng đời khai thác của một bộ phim lên tới 70 năm. Và những vụ vi phạm bản quyền khi phim vừa ra rạp đã bị livestream hoặc có bản ghi hình chất lượng xấu tung lên mạng để khán giả xem “chùa” cho thấy vi phạm bản quyền phim ảnh hiện là câu chuyện xảy ra trên đa dạng nền tảng số, rất khó kiểm soát.

Lĩnh vực âm nhạc cũng xảy ra nhiều rắc rối không kém, khi nhiều khách sạn ba sao không muốn trả tác quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC), tính theo số đầu TV. Hiện tác phẩm âm nhạc trên truyền hình được VCPMC thu theo gói. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tác phẩm âm nhạc lại không thuộc quyền trung tâm này quản lý. Chẳng hạn, nhạc sĩ Phú Quang đã quyết định ngừng ủy quyền cho trung tâm thu phí tác quyền từ lâu, trong khi tác phẩm của ông rất thường xuyên được phát trên truyền hình. Ngoài ra, việc chi trả cho người sáng tác của VCPMC hiện cũng đang tồn tại một số điểm bất cập, khi không thể đếm được chính xác số lượt sử dụng tác phẩm của một tác giả trên tất cả kênh sóng màn ảnh nhỏ. Vì thế, việc thanh toán tác quyền có thể gây thiệt hại kinh tế cho nhạc sĩ, nếu mức độ sử dụng tác phẩm nhiều mà khoản tiền nhận lại không tương xứng.

Phim Chạy đi rồi tính đã bị vi phạm bản quyền ngay khi ra rạp vì live stream.

Xin đừng nhắm mắt ký liều

Sau khi nhà văn Nguyễn Văn Thọ lên tiếng ít lâu, vụ việc với Waka kết thúc trong lặng lẽ. Lý do, ông không hề nhớ nội dung bản hợp đồng ủy quyền từng ký với VLCC, khi giao “đứa con tinh thần” cho họ quản lý hộ. “VLCC bảo chúng tôi đến ký văn bản để tranh đấu cho bản quyền của các nhà văn. Hội Nhà văn Việt Nam thì khẳng định, bản hợp đồng này sinh ra để bảo vệ quyền lợi người cầm bút, thế là chúng tôi ký. Mà thường ký xong thì cũng có ai lưu lại một bản làm gì đâu... Nội dung, điều khoản trong đó rất dài, chúng tôi cũng chỉ đọc lướt thôi, nên cũng không nhớ rõ nữa”, tác giả Quyên cho biết. Việc rà soát hợp đồng sau đó cho thấy, trong hợp đồng ủy quyền cho VLCC, nhà văn đã ủy toàn bộ quyền tác giả và quyền liên quan cho đơn vị này khai thác hộ. Nội dung hợp đồng cũng ghi rõ điều khoản, khi ký kết với đơn vị khác để khai thác tác quyền những tác phẩm mang tên Nguyễn Văn Thọ, VLCC không cần phải tham khảo ý kiến của ông.

Hợp đồng của giới sáng tác âm nhạc với VMPMC cũng là một trường hợp thú vị. Theo nội dung được giao kèo theo mẫu (sử dụng cho tất cả các nhạc sĩ), họ sẽ phải trả cho trung tâm tối đa 25% tiền tác quyền thu được. Tuy nhiên, cũng theo hợp đồng này, số % cũng được quy định sẽ có điều chỉnh giảm dần theo thời gian. Mặc dù vậy, nhiều nhạc sĩ cho biết mình không hề biết điều khoản này, để chủ động yêu cầu thay đổi tỷ lệ ăn chia.

Trở lại trường hợp họa sĩ Bùi Xuân Dư, nguồn cơn khiến những bức tranh bị vi phạm bản quyền nhiều lần chính vì ông đã chủ động đưa những bức ảnh chụp tác phẩm mình lên mạng. Việc những đối tượng liên quan sử dụng ảnh này in thành vỏ hộp hoặc phóng lên màn hình với độ nét cao cho thấy dung lượng ảnh phải đủ lớn. “Các gallery yêu cầu tôi đưa ảnh cỡ lớn để khách có thể xem tác phẩm thuận lợi hơn”, ông Dư lý giải. “Tôi nghĩ, các họa sĩ nên rút kinh nghiệm, không nên đưa ảnh cỡ lớn để giới thiệu tranh để tránh những vi phạm tác quyền không đáng có” - nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Phạm Long chia sẻ.

“Thường thì các bản hợp đồng ký kết với nghệ sĩ luôn dài lê thê tới hàng chục trang, lại toàn ngôn ngữ chuyên ngành luật nên bên B thường rất ngại đọc. Thói quen phổ biến là cứ đưa hợp đồng là ký mà không hề tìm hiểu mình đã cam kết điều gì. Vì thế, đã có trường hợp nghệ sĩ hồn nhiên ký ủy quyền cho Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), cho dù trước đó đã đồng ý cho một đơn vị khác sử dụng vĩnh viễn. Họ không biết mà cũng không hề nhớ việc đó. Từ thực tế đó, việc nâng cao ý thức về quyền tài sản của nghệ sĩ cũng là một yêu cầu bức thiết, cần phải làm ngay”, ông Đặng Đình Long - CEO của công ty Aibiz, một đơn vị chuyên cung cấp giải pháp đếm lượt sử dụng tác phẩm âm nhạc trên sóng truyền hình cho biết.

Người nghệ sĩ, hơn ai hết, nên tự trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức cần thiết. Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, để không rơi vào cảnh chịu thiệt thòi mà không làm gì được. Thế nhưng, ngoài nỗ lực tự thân của từng nghệ sĩ, rất cần sự trợ giúp phổ biến kiến thức, từ các đơn vị và tổ chức liên quan. Theo ý kiến của Luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom Vietnam): “Làm việc với các nghệ sĩ, ca sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ dòng indie, tôi thấy hiểu biết về khai thác tác phẩm chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho họ. Tôi nghĩ về lâu dài, nên có những chương trình bổ túc kiến thức về bản quyền cho nghệ sĩ”.

Thí dụ như ở lĩnh vực điện ảnh đã bắt đầu cung cấp lồng ghép các nội dung cần thiết về bản quyền. Chương trình Gặp gỡ mùa thu do đạo diễn Phan Đăng Di tổ chức, hay Khóa học mùa xuân do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức cũng đã đưa bản quyền thành một nội dung giới thiệu cho người làm phim. Một tín hiệu vui, cho câu chuyện bản quyền tác phẩm nghệ thuật nước nhà. Mong là điểm sáng ấy sẽ nhanh chóng được nhân rộng.

Ngữ Yên