Thiệt hại từ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó có thể đong đếm bằng tiền và người phải chịu thiệt thòi chính là các tác giả. Tuy nhiên, không phải tác giả nào cũng có ý thức bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình trong dòng chảy của Internet và kỹ thuật số.
Cơ quan quản lý gặp khó
Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện nay trên thế giới có khoảng 99 triệu người làm việc có liên quan đến công nghiệp bản quyền. Riêng các nước đang phát triển, công nghiệp bản quyền đã tạo được khoảng 25 triệu việc làm. Đồng thời, bình quân trên thế giới, công nghiệp bản quyền đang đóng góp 3-5% thu nhập quốc dân mỗi năm.
|
Họa sĩ Thành Chương - một trong số ít họa sĩ lên tiếng khi bị vi phạm bản quyền |
Với mong muốn duy trì, phát triển sự bảo hộ đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, bảo hộ các quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm một cách có hiệu quả và đồng bộ nhất, từ năm 1996, WIPO đã thông qua Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT).
Đối với Việt Nam, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chúng ta không thể đứng ngoài “sân chơi chung” bảo hộ bản quyền, trong đó có bảo hộ bản quyền trên môi trường số và Internet.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc bảo vệ bản quyền trong môi trường sống thực tế đã khó, thực thi pháp luật về bảo hộ bản quyền trong môi trường số còn đặt ra nhiều thách thức hơn. Việc phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên mạng Internet một cách kịp thời cũng vô cùng khó. Phát hiện vi phạm phải dựa vào kỹ thuật mà kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế. Năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về lĩnh vực này cũng còn nhiều quan ngại.
Theo Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hiện nay có 14 lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật, trong đó có những lĩnh vực rất phức tạp như mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng. Việc phân biệt tranh thật, tranh giả, thế giới nhiều khi còn lao đao, trong khi tại Việt Nam, đến thời điểm này cũng chưa có “địa chỉ” thẩm định thường xuyên nào đủ tin cậy và uy tín. Mới đây, câu chuyện về tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến bị rao bán giá rẻ công khai trên mạng lại khiến cho giới mỹ thuật và dư luận thêm một lần dậy sóng.
Trước đó, vào năm 2016, họa sĩ Thành Chương cũng gửi đơn tố cáo về hành vi xâm phạm bản quyền tác giả đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), khẳng định bức tranh có tên “Trừu tượng” của họa sĩ Tạ Ty chính là bức tranh “Chân dung cô Kim Anh” của ông, sáng tác khoảng thời gian 1970-1975.
Bức xúc trước vấn nạn các tác phẩm mỹ thuật đang trong tình trạng “tranh tối, tranh sáng”, giới họa sĩ đã phải lên tiếng phản ứng. Các họa sĩ, nhà nghiên cứu mong muốn và kêu gọi thành lập Hội đồng Thẩm định quốc gia có vai trò, chức năng như Hội đồng Di sản quốc gia để bảo vệ bản quyền tác giả, đồng thời kêu gọi các cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật vào cuộc và tội chép tranh làm tranh giả nên được coi là tội phạm hình sự. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hội đồng Thẩm định quốc gia vẫn chưa được khai sinh, những vụ kiện vẫn đang “bế tắc”.
Chủ tác phẩm thờ ơ
Một nghịch lý đang tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hiện nay là chủ sở hữu tác phẩm lại chính là người thờ ơ với việc bảo vệ bản quyền “đứa con tinh thần” của mình.
Có một thực tế, trong số hơn 900 nhà văn đã ủy thác cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam từ hơn 10 năm qua vẫn có nhiều người dễ dãi, xuê xoa trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Họ phàn nàn, nhưng rồi khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm hại ở chỗ này chỗ kia, người thì làm thinh vì nghĩ rằng, hơi đâu mà kiện tụng cho mệt, có người lại bảo: “Họ in cho mình là... tốt rồi!”. Thế là... hòa cả làng.
Một nghịch lý đang tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hiện nay là chủ sở hữu tác phẩm lại chính là người thờ ơ với việc bảo vệ bản quyền “đứa con tinh thần” của mình. |
Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng đã xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2016-2020”. Để nâng cao năng lực quản lý nhằm bảo hộ quyền tác giả, bản quyền tác phẩm, đến thời điểm này, ngoài việc đôn đốc các sở, địa phương, đơn vị liên quan triển khai đề án thì Hải Phòng còn biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho các tập thể, cá nhân có nhu cầu.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả và các quyền liên quan trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn rất phổ biến. Hành vi xâm phạn bản quyền diễn ra với tất cả các loại hình, từ tác phẩm văn học, công trình khoa học cho đến tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu... Năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng cũng mới chỉ tiếp nhận và chuyển hồ sơ duy nhất đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả về Cục Bản quyền tác giả.
Ngay tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hoạt động đăng ký cấp giấy chứng nhận bản quyền văn hóa, nghệ thuật cũng không khả quan hơn. Thậm chí, theo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, thời gian qua, chưa hề có một tổ chức, cá nhân nào gửi hồ sơ đến Sở để đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan.
Quý I/2018, Cục Bản quyền tác giả cấp 1.224 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trong nhiều lĩnh vực. Như vậy, so với yêu cầu và sự phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thực tế, con số này còn rất nhỏ.
Có thể nói, các quy định pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, các quyền liên quan đã đầy đủ và chi tiết hơn. Thành tựu khoa học công nghệ phát triển đã hỗ trợ tích cực trong việc hỗ trợ bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính các tác giả cần có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động để tự bảo vệ tài sản của mình, không thể chờ đợi sự phát hiện sai phạm từ phía báo chí hay sự “bảo vệ” từ các cơ quan quản lý cho “đứa con tinh thần” của mình.