0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam trên môi trường internet: Câu chuyện còn rất dài...

24/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam trên môi trường internet:  Câu chuyện còn rất dài...
Năm 2018, trong bảng xếp hạng Chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế hằng năm lần thứ 6, Việt Nam đạt 13,19/40 điểm, xếp thứ 40/50 nền kinh tế được đánh giá. Đặc biệt, các chỉ số liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đều ở mức thấp.

Tổng điểm đánh giá quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam là 1,28/7, xếp 50/50 trong bảng xếp hạng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực được khảo sát như Philippines (1,78), Thái Lan (2,28).

Chưa hề giải quyết vi phạm ở môi trường số

Hiện nay, Việt Nam thực thi quyền tác giả, quyền liên quan chủ yếu thông qua phương thức hành chính. Nhưng hiện có rất nhiều cơ quan, đơn vị quản lý hành chính tham gia, không thống nhất và chồng lấn phạm vi thẩm quyền. Cụ thể là Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) thực hiện quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) lại quản lý các chương trình truyền hình. Tham gia vào việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, có các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả gồm: Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam.

Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị này hiện nay chỉ đang nỗ lực giải quyết các trường hợp vi phạm quyền tác giả trong môi trường thật, gần như chưa giải quyết được các vi phạm trong môi trường số.

Quá trình xử lý vi phạm hiện nay mới chỉ thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể khi có khiếu nại hành chính chứ chưa trở thành một hệ thống xử lý và ngăn ngừa. Việc đăng ký tên miền Việt Nam hiện nay tại Trung tâm Internet Việt Nam theo quy định của Thông tư 24/2015/TT-BTTTT không bắt buộc phải cung cấp các thông tin liên hệ và đăng ký của chủ sở hữu website, khiến cho việc truy tìm và xử lý chủ sở hữu website trở nên khó khăn. Tất cả các sản phẩm như sách, điện ảnh, âm nhạc đều có thể dễ dàng bị phân phối trái phép, miễn phí trên mạng intrenet mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ phía các cơ quan quản lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các nhà xuất bản, các đài truyền hình sở hữu hợp pháp các sản phẩm buộc phải tự thực hiện các biện pháp kỹ thuật. Điển hình là trường hợp Tổng Công ty truyền hình Cáp Việt Nam đã phải ngừng phát sóng UEFA Champion League, UEFA Europa League trên dịch vụ truyền hình của VTVCap và VTV hồi tháng 5.2017 do hàng loạt các website, trang tin điện tử đã vi phạm bản quyền trắng trợn, đăng tải những đoạn clip được cắt ghép từ các trận đấu thuộc hai giải bóng đá trên.

Các tổ chức tập thể quản lý ở Việt Nam hiện nay chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền tác giả cho chủ sở hữu, đặc biệt là trên môi trường internet.

Giải quyết tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan tại Tòa án hiện nay là không phù hợp với môi trường internet

Giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Việt Nam. Việt Nam cũng chưa có bất kỳ một vụ truy cứu trách nhiệm hình sự nào đối với hành vi vi phạm quyền tác giả. Nguyên nhân là do thủ tục phức tạp, chậm trễ, thiếu các biện pháp khẩn cấp tạm thời và không chắc chắn về kết quả đối với cả kiện dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tổng thời hạn để giải quyết một vụ án về sở hữu trí tuệ, tính từ thời điểm nộp đơn khởi kiện đến khi có bản án sơ thẩm, ít nhất là 6 tháng, nếu trong quá trình giải quyết cần gia hạn, tạm ngừng, hoãn phiên tòa hoặc nếu tiếp tục kháng cáo phúc thẩm thì thời hạn còn kéo dài hơn. Trong thời gian giải quyết cũng không có biện pháp nào để khắc phục hậu quả vi phạm. Như vậy, áp dụng phương thức khởi kiện dân sự nếu có tranh chấp về quyền tác giả trên intrenet không đem lại hiệu quả cần thiết. Đặc biệt, khả năng giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng của các thẩm phán không cao.

Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, sửa đổi quy định liên quan đến quy mô thương mại của tội phạm từng là rào cản trong việc thực thi pháp luật của Bộ luật Hình sự 199, sửa đổi 2009. Quy định mới được các tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đánh giá cao, hy vọng sẽ tạo ra cơ sở tốt hơn cho các Tòa án truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Để ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền trong môi trường kỹ thuật số, theo kinh nghiệm quốc tế, cần phải thực hiện biện pháp ngăn chặn mang tính kỹ thuật, ở một số nước thực hiện việc này phải có lệnh của Tòa án.

Tại Việt Nam hiện nay, không có quy định nào về việc chặn các IP vi phạm bản quyền. Hoạt động thu tên miền tuy có quy định nhưng cũng không hiệu quả. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng với sự gia tăng sử dụng internet như Việt Nam hiện nay thì việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ bản quyền trên internet vẫn đang là biện pháp cần được ưu tiên thực hiện ngay.

Các cơ quan quản lý liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan và cơ quan quản lý mạng internet phải tăng cường phối hợp với nhau để ngăn chặn vi phạm bản quyền. Quá trình hợp tác giữa các cơ quan phải đảm bảo không vượt quá thẩm quyền nhưng đồng thời phải đảm bảo được mục đích cuối cùng là ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra…

NGUYỄN QUANG ĐỒNG