0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chuẩn hóa quyền tác giả, quyền liên quan

06/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Chuẩn hóa quyền tác giả, quyền liên quan
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là vấn đề thiết thực đối với giới nghệ sĩ và những người sáng tác. Hiểu thế nào cho đúng trên con đường chuẩn hóa quyền tác giả, quyền liên quan? Phóng viên Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) xung quanh vấn đề này

P.V: Được biết Nghị định này đã có một số sửa đổi, chỉnh lý một số quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Đề nghị ông cho biết sự thay đổi này.

- Ông Bùi Nguyên Hùng: Về Nghị định lần này, có sửa đổi, chỉnh lý một số quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo hướng tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan như sau: Thời gian cấp Giấy chứng nhận là 15 ngày làm việc. Trường hợp cấp đổi, thời gian cấp được rút ngắn còn 12 ngày; trường hợp cấp lại, thời gian cấp được rút ngắn còn 7 ngày.

Bỏ quy định đầu mối Sở VHTT, Sở VHTTDL tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan với lý do: Thực tiễn thi hành quy định này, các Sở gặp khó khăn vì chỉ tiếp nhận hồ sơ sau đó chuyển ra Cục Bản quyền tác giả (qua đường bưu điện) sau đó Cục Bản quyền tác giả thụ lý cấp Giấy chứng nhận và chuyển lại cho Sở (qua đường bưu điện) để Sở trả cho tác giả; Sở thu lệ phí và gửi về Cục Bản quyền tác giả (qua đường bưu điện) tạo một quy trình từ khi nộp hồ sơ đến khi kết thúc rất rườm rà và tốn kém thời gian, chi phí và nguồn lực. Do vậy, trong 10 năm thi hành vừa qua có rất ít các Sở tiếp nhận hồ sơ (chỉ dưới 1%), nhiều Sở đến nay chưa tiếp nhận trường hợp nào, các Sở không quy định là thủ tục hành chính tại các Sở.

Nghị định này quy định thủ tục nộp hồ sơ trực tiếp qua đường bưu điện (không phải qua các Sở để chuyển về Cục Bản quyền tác giả) hoặc tại Cục Bản quyền tác giả và Văn phòng đại diện của Cục tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng hoặc trực tiếp qua đường bưu điện. Ban Soạn thảo đã tổng hợp và xem xét, xử lý khi sửa Luật theo hướng nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng (nâng lên mức độ 3 hoặc 4 của thủ tục hành chính công).

Về việc các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, trước đây xảy ra không ít lùm xùm vì có tác giả lên tiếng “Tôi có nhờ họ đại diện đâu mà họ đi thu tác quyền hộ”. Vậy thưa ông, trong Nghị định lần này vấn đề về tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như thế nào để giải quyết tình trạng trên?

- Tại Nghị định lần này, Nghị định quy định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo hướng: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải công khai, minh bạch, có bộ cơ sở dữ liệu thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan như: Hợp đồng ủy quyền của hội viên, danh sách tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể được khai thác, sử dụng; biểu mức tiền nhuận bút, thù lao và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao theo ủy quyền.

Quan hệ giữa tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng hoặc giữa tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan với thành viên (hội viên ủy quyền) là các quan hệ dân sự, theo thỏa thuận hợp đồng giữa các bên và trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.

Nghị định này có quy định thế nào để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, thưa ông?

- Để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, Nghị định này đã bổ sung thêm điều 29, nội dung cụ thể như sau:

- Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác để thực hiện và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình. Bên được ủy quyền có trách nhiệm thông tin công khai để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng liên hệ thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng;

- Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có nghĩa vụ liên hệ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc bên được ủy quyền để thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;

- Tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10.4.2018.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Nghị định số 100/2006/ NĐ-CP và Nghị định số 85/2011/ NĐ-CP hết hiệu lực thi hành. Các Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và Nghị định số 85/2011/NĐ-CP được hợp nhất và được sửa đổi, bổ sung làm rõ giúp cho việc thuận lợi trong thi hành và không trái với Luật Sở hữu trí tuệ.

- Xin cảm ơn ông! 

HOÀNG HƯƠNG