0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vẫn nóng chuyện bản quyền

10/01/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Vẫn nóng chuyện bản quyền
Có thể nói, năm 2017 là thời điểm nhạc Việt có nhiều dấu ấn quan trọng với những MV triệu view (lượt xem), những ca khúc “hit” thống lĩnh các trang nhạc trực tuyến và sự xuất hiện của hàng loạt gương mặt mới. Tuy nhiên, năm 2017 cũng ghi dấu ấn với những cuộc tranh cãi không có hồi kết …

Những nghi án "đạo" nhạc

2017 lại tiếp tục là một năm với nhiều “lùm xùm”, tranh cãi liên quan tới các vấn đề vi phạm bản quyền và đạo nhái trong âm nhạc. Chỉ nửa đầu năm, hàng loạt cái tên đình đám của VPop đã dính nghi án đạo nhạc ngoại: Sơn Tùng M-TP với “Nơi này có anh”, “Bình yên những phút giây”; Đông Nhi với “Love me too”, “Có nơi đó chờ em”; Only C với “Yêu là tha thứ”; Lưu Hương Giang với “Đừng buông tay”, “Ghen”, “Ánh nắng của anh”…

van nong chuyen ban quyen
Tờ rơi thông báo thu phí nghe nhạc của VCPMC

Ngay đầu năm, ca sĩ Mỹ Tâm đã bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng “tố” vi phạm tác quyền khi sử dụng ca khúc “Anh thì không” do ông viết lời Việt, mà không xin phép. Trước đó, ca khúc này đã được nhiều ca sĩ như Ý Lan, Minh Tuyết, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng... thu âm và trình diễn. Ngay sau đó, trên fanpage dành cho người hâm mộ, Mỹ Tâm xin lỗi khán giả. Cô thừa nhận do chưa tìm hiểu kỹ nên chưa đóng tác quyền cho tác giả viết lời Việt bài hát Pháp “Anh thì không”. Tạm thời, Mỹ Tâm sẽ khóa bài này trên kênh Youtube để tôn trọng bản quyền.

Cuối năm 2017, làng nhạc Việt tiếp tục “choáng váng” bởi câu chuyện bản quyền của Noo Phước Thịnh và Bảo Anh. Do sử dụng ca khúc có tên “The way” của nhạc sĩ Zack Hemsey được mua độc quyền của Công ty Epic Elite, ca khúc “Chạm khẽ tim anh một chút” của Noo Phước Thịnh đã bị xóa khỏi YouTube mặc dù có số lượt xem lên tới 30 triệu. Trường hợp ca khúc “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh thì may mắn hơn, nhờ thương lượng kịp thời và đóng phạt 100 triệu đồng nên được giữ lại.

Rõ ràng, câu chuyện YouTube “thẳng tay” xóa sổ những MV ca nhạc bị “tố” vi phạm bản quyền là điều không mới mẻ trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề đăng ký và bảo vệ bản quyền, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc vẫn còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt là trên Internet.

Ồn ào thu phí

Bên cạnh những câu chuyện ồn ào về bản quyền âm nhạc, về đạo nhái… thì người hâm mộ năm 2017 còn phải “đau đầu” với những lùm xùm trong việc quản lý âm nhạc.

Tháng 3-2017, Phòng Quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) có thông tin về 5 ca khúc phải dừng lưu hành với lý do có chứa nhiều ca từ nhạy cảm; song khi dư luận phản ứng dữ dội, Cục đã phải rút lại lệnh cấm này. Sau đó, một loạt các ca khúc trước năm 1975, thậm chí là các ca khúc quá đỗi quen thuộc, quá nổi tiếng cũng chưa được cấp phép như “Nối vòng tay lớn” hay “Thời hoa đỏ”...

Quyết định này của Cục NTBD đã khiến dư luận bức xúc và lên tiếng phản đối dữ dội tới mức Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải vào cuộc và chỉ đạo: “Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”. Sau đó, trước sức ép của dư luận, Cục trưởng Cục NTBD buộc phải xin lỗi và chuyển công tác.

Câu chuyện “cấm hát” chưa hạ nhiệt, thì đến tháng 9-2017, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đưa ra thông báo, bắt đầu từ tháng 10-2017 sẽ thu tiền nghe nhạc ở khách sạn cả nước với mức phí 25.000 đồng/tivi/năm. Đồng thời, trong văn bản do VCPMC ban hành còn nhấn mạnh, nếu chủ doanh nghiệp không trả tiền sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính theo Nghị định 131 của Chính phủ.

Việc YouTube “thẳng tay” xóa sổ những MV ca nhạc bị “tố” vi phạm bản quyền cho chúng ta thấy, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng không phải thứ được sử dụng miễn phí.

Thông báo này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của các cơ sở kinh doanh với lý do việc thu tác quyền khi mở tivi là vô lý vì họ đã thanh toán cước thuê bao truyền hình cáp. Trước bức xúc của dư luận, Cục Bản quyền tác giả đã yêu cầu VCPMC dừng thu và đề nghị trung tâm xác định các tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC. Cho đến nay, những lùm xùm do quyết định thu phí nghe nhạc ở khách sạn vẫn chưa có hồi kết bởi các bên chưa thể ngồi lại với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những ồn ào muôn thuở về phát ngôn hay đấu tố qua lại, làng nhạc Việt năm 2017 vẫn có những điểm sáng đáng tự hào như nhiều hơn những MV trăm triệu lượt xem, nghệ sĩ sẽ kiếm được tiền từ sản phẩm, một số ca sĩ được vinh danh tại các giải thưởng danh giá và sự “trỗi dậy” của những ca sĩ, nhóm nhạc độc lập có sức hút mạnh mẽ. Điều này phần nào giúp người hâm mộ thêm tin tưởng vào đời sống âm nhạc năm 2018 với hy vọng bớt những ồn ào, nhiều thêm những thành tựu đến từ các ca sĩ trẻ.

Vương Tâm