Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (sau đây gọi là Trung tâm) gần đây cho biết, từ tháng 10/2017 sẽ thu tiền tác quyền trên tivi (25.000/tivi/năm) tại các khách sạn tại nước ta
Nhiều người đánh giá, việc làm này là cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích cho tác giả, tuy nhiên thu như thế nào để vừa đúng luật và “thấu tình đạt lý” lại khó trăm bề.
Thu phí tác quyền trên tivi là đúng luật
Thực tế, việc thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi tại khách sạn đã được nhiều nước trên thế giới và khu vực thực hiện. Tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng thu 20.000 won/tháng đối với cơ sở dưới 50 phòng; trên 500 phòng là 350 nghìn won/tháng; Nhật Bản tính theo doanh thu tương đương 1% doanh thu hoặc 100 yên/tháng/tivi...
Đại diện trung tâm chia sẻ đã thực hiện thu phí tác quyền âm nhạc tại các khách sạn 5 sao ở Việt Nam hơn 10 năm nay, áp dụng theo công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 33, Luật sở hữu trí tuệ, việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại thì tổ chức khai thác sử dụng phải trả tiền bản quyền tác giả. Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1 điều 20 Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, bao gồm việc biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình.
Dù đúng luật, song thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi tại khách sạn lại khó thực thi. (Ảnh minh họa)
Trung tâm cũng lý giải thêm về việc thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi tại khách sạn, hầu hết khách sạn hiện đang sử dụng các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet. Trong khi đó, đại đa số các kênh truyền hình đều đã ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm với trung tâm và hằng năm kê khai danh mục tác phẩm âm nhạc mà các kênh truyền hình đã sử dụng để trung tâm đối soát làm cơ sở phân phối cho các tác giả. Trung tâm chỉ thu phí tác quyền đối với những tác phẩm, tác giả đã ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đối soát và cung cấp thông tin công khai dựa trên danh sách tác phẩm - tác giả mà tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng.
Vì sao khó thực thi?
Sau khi trung tâm thông báo thu phí tác quyền trên tivi tại các khách sạn với mức phí 25.000/tivi/năm, nhiều chuyên gia đã lên tiếng và không ít ý kiến băn khoăn, đặt ra nhiều câu hỏi cho trung tâm. Theo đó, trung tâm làm sao biết được phòng ở khách sạn có mở tivi, trên tivi có phát ca khúc, ca khúc đã đăng ký tác quyền với trung tâm? Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên chia sẻ, trung tâm cần phải chứng minh được trong khách sạn đó có bao nhiêu tivi được bật nhạc để nghe; nghe tác phẩm của tác giả nào; tác giả có tác phẩm đó có ủy quyền cho trung tâm hay không và việc thu tiền sẽ phân bổ cho tác giả như thế nào?
“Nếu chưa chứng minh được những vấn đề vừa nêu mà trung tâm đã tiến hành thu tiền tác quyền thì các chủ khách sạn phản ứng là điều dễ hiểu” - ông Vương Duy Biên cho biết.
Đại diện Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng gần đây cũng bày tỏ quan điểm, các khách sạn hiện đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp, nay lại đòi thu thêm phí tác quyền bài hát là không hợp lý, như thế là “phí chồng phí”. Hơn nữa, tivi ở khách sạn tập hợp cả trăm chương trình chứ không riêng về âm nhạc, chưa kể, khách ở khách sạn ít nghe nhạc. Vì lý do này, Hiệp hội Đà Nẵng nhấn mạnh các khách sạn tại địa phương này sẽ không đóng phí tác quyền trên tivi.
Trong khi đó, theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL), việc thu phí cho một tác phẩm âm nhạc là đúng nhưng “Thu như thế nào? Thu bao nhiêu? Và ai thu?” là chuyện khác. Việc sử dụng một tác phẩm âm nhạc cho hoạt động kinh doanh thì phải trả phí cho tác giả, đó là điều đương nhiên. Nhưng trả bao nhiêu lại là do thỏa thuận giữa tác giả và trung tâm thông qua hợp đồng ủy quyền. Hơn nữa, việc thu phải theo mức độ hiện hành của xã hội và đúng theo quy định của pháp luật. Cũng không thể áp dụng cả một mức cho toàn bộ được bởi vì nước ta điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khác với các nước khác.
Trước đó, tháng 5/2017, Cục Bản quyền tác giả đã yêu cầu trung tâm ngừng thu phí tác quyền trên tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng vì các chủ khách sạn cho rằng việc thu phí không rõ ràng và minh bạch, trung tâm đơn phương đưa ra mức phí mà không thương lượng, thỏa thuận theo luật định. Bởi thế, Cục Bản quyền tác giả yêu cầu trung tâm xác định các tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của trung tâm. Để thu phí, trung tâm phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của Cục Bản quyền tác giả, trung tâm lại có động thái thu phí tác quyền trên tivi tại khách sạn từ tháng 10/2017 tiếp tục làm cho sự việc này “sa lầy” và gây ồn ào trong dư luận