Sau 4 tháng tạm dừng thu tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại tuyên bố tái thu từ tháng 10/2017
Quyết định này không chỉ có các khách sạn - đơn vị bị thu – phản ứng, mà Cục Bản quyền âm nhạc cũng cho rằng VCPMC cần chứng minh đủ các tác phẩm được ủy quyền thu.
VCPMC quyết thu
Hồi tháng 5/2017, hàng trăm khách sạn tại Đà Nẵng đồng loạt phản hồi việc nhận được công văn của VCPMC về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền âm nhạc qua… ti vi. Thực tế, việc thu tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn không phải là quy định mới ở Việt Nam, mà đã được thực hiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 10 năm nay. Song đến khi VCPMC triển khai ở Đà Nẵng, thì các DN đã đồng loạt lên tiếng phản đối những bất cập. Vì khi các nhà nghỉ, khách sạn đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền (truyền hình cáp) thì đã thực hiện chi trả đối với các "nhà đài". Nhiều khách sạn cho rằng, họ lắp tivi trong các phòng nghỉ, khách sử dụng như thế nào là quyền cá nhân của từng người, VCPMC lấy cơ sở nào để khẳng định khách sạn sử dụng những dịch vụ âm nhạc trên truyền hình để kinh doanh. Mặt khác, việc sử dụng
tác phẩm âm nhạc (nếu có), thì cũng do "nhà đài" chi trả, vì các đơn vị này đã có thỏa thuận với khách hàng, khi trả tiền thuê bao theo tháng là khách đã được phép sử dụng tất cả các kênh theo gói đăng ký. Hơn nữa, thu 25.000 đồng/tivi của VCPMC là cách thu giá khoán, chưa hợp lý vì không chứng minh được các tác giả ủy quyền thu tác quyền tại mỗi đầu phát.
Ảnh minh họa.
|
Trong buổi thông tin về tái thu, VCPMC đưa ra căn cứ pháp lý là hình thức và tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức thu trọn gói 25.000 đồng/phòng/năm. “Có thể hiện tại chúng tôi chưa đủ các phương tiện để kiểm tra, đo đếm tivi trong khách sạn mở chương trình gì, bài hát nào hoặc có người dùng tivi, có người không dùng... Chưa có mấy quốc gia có điều kiện kiểm đếm việc này, nên chúng tôi mới đưa ra một giá khoán trong cả năm là 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi” – nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC cho hay. Ông Phương cho biết, trong 4 tháng qua, Trung tâm đã xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, đàm phán thỏa thuận với tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm và báo cáo Bộ VHTT&DL để xác định cơ sở pháp lý và tính chặt chẽ, khả thi của hoạt động này. Phía VCPMC cho rằng quyết định tái thu của Trung tâm đã báo cáo Cục
Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật và nhận được sự đồng ý.
Tứ phía phản đối
Trước thông tin VCPMC nhận được sự đồng ý tái thu tác quyền âm nhạc qua tivi, phóng viên đã liên lạc với Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Bùi Nguyên Hùng và nhận được câu trả lời: Cục chưa ra văn bản nào đồng thuận với quan điểm của VCPMC. “Trong buổi làm việc ngày 18/8, VCPMC yêu cầu chúng tôi ra văn bản, nhưng Cục không có thẩm quyền ra văn bản này. Trước đây, Cục yêu cầu dừng thu để đề nghị VCPMC chứng minh, bóc tách tác phẩm âm nhạc được khai thác của chủ sở hữu quyền tác giả là hội viên của trung tâm. Nếu VCPMC chứng minh được thì tiếp tục đi thu, nếu lại gây bức xúc, Cục sẽ lại yêu cầu dừng” – ông Hùng cho biết.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam lựa chọn hình thức thu trọn gói, mà một số nước cũng áp dụng phương thức này. Cụ thể như Hàn Quốc mức thu 20.000 won/tháng với khách sạn dưới 50 phòng; và 40.000 won với khách sạn trên 50 phòng. Hay Nhật Bản thu 1% doanh thu hoặc 100 yên/tháng/tivi… Đại diện Cục Bản quyền khẳng định thu mức bao nhiêu là do bên thu và bên sử dụng thỏa thuận, nhưng phải minh bạch trong phân phối.
Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng khẳng định mới nhận được thông tin tái thu tác quyền âm nhạc qua tivi từ tháng 10/2017 từ các phương tiện truyền thông. Hiệp hội chưa nhận được bất kỳ giải thích hay căn cứ xác đáng nào của VCPMC về việc thu tác quyền này.
“Nếu VCPMC không chứng minh được tác phẩm có được quyền khai thác, biểu mức thu… chúng tôi sẽ không nộp đồng nào. Đó là cách chúng tôi bảo vệ hội viên của mình”.
Bà Dương Thị Thơ Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng
|