0908.326.779 - 0906.362.707
 

Khách xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền tác quyền

15/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Khách xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền tác quyền
Ông Phó Đức Phương than thở hiện tại không ai có thể chứng minh được khách vào khách sạn có xem tivi hay không, nhưng các khách sạn vẫn phải trả tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi!

Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với ông Phó Đức Phương - giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - để chất vấn về câu chuyện tiếp tục thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn.

* Đại diện Cục Bản quyền tác giả khẳng định khi thu tiền bản quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN phải chứng minh khách vào khách sạn có xem tivi. Ý kiến ông ra sao?

- Việc chứng minh khách vào khách sạn có xem tivi hay không thì chắc chắn không ai chứng minh được.

Nhưng nguyên tắc là chủ khách sạn đã tạo điều kiện cho công chúng - khách thuê khách sạn -tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc của các tác giả đã ủy quyền cho chúng tôi thì dù khách có xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền bản quyền tác giả âm nhạc.

Có thể có người vào khách sạn nhưng không nghe nhạc, nhưng khách sạn đã dùng phương tiện có sử dụng tác phẩm của chúng tôi ở đó thì phải có trách nhiệm trả tiền quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.

Tất cả các hoạt động kinh doanh mà tạo điều kiện cho việc tiếp cận tác phẩm đến khách hàng, công chúng thì đương nhiên phải có trách nhiệm trả tiền quyền tác giả âm nhạc.

* Ngoài ra, khi tiếp tục thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn, trung tâm phải xác định được trong phòng khách sạn có tivi thì có phát chương trình sử dụng tác phẩm âm nhạc hay không? 

Tác phẩm âm nhạc đó có thuộc tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hay chưa? 

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải chứng minh được tác giả đó đã ủy quyền cho đơn vị này đi thu tiền…

Ông đã có giải pháp nào cho những vướng mắc này?

- Chuyện chúng tôi thu tiền bản quyền âm nhạc trên tivi trong khách sạn có đúng tần suất hay không thì không phải quốc gia nào cũng có điều kiện để làm việc đó. 

Có thể hiện tại chúng tôi chưa đủ các phương tiện để kiểm tra, đo đếm tivi trong khách sạn mở chương trình gì, bài hát nào hoặc có người dùng tivi, có người không dùng...

Chúng tôi không thể kiểm tra cụ thể được, nên mới đưa ra một giá khoán trong cả năm là 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi mỗi năm. 

Mà chia con số 25.000 đồng cho mỗi năm thì mỗi tháng mỗi phòng khách sạn có tivi chỉ mất hơn 2.000 đồng. 

Số tiền này chia cho 4 triệu tác giả nước ngoài và 4.000 tác giả VN đã ủy quyền cho chúng tôi thì mỗi người cũng chỉ đáng được vài đồng! 

Nhưng cán bộ của chúng tôi vô cùng vất vả để có được từng đồng ấy cho các nhạc sĩ.

Còn sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị các đài truyền hình đã ký hợp đồng với chúng tôi cung cấp danh mục các bài hát phát trên tivi. Dựa trên danh mục đó, chúng tôi sẽ phân phối tiền thu được cho các tác giả đã ủy quyền cho trung tâm.

Chúng ta phải hướng đến sự công bằng và thực thi pháp luật. Chẳng lẽ khi chúng ta chưa có đủ phương tiện kỹ thuật để chỉ ra từng tên tác giả, tác phẩm sử dụng bao nhiêu lần thì đừng thực thi pháp luật nữa hay sao? 

Đừng tuyệt đối hóa mà trở thành rào cản cho chuyện này.

Còn việc chứng minh ủy quyền, chúng tôi không thể đem một xe tải hồ sơ ra để chứng minh được.

Chúng tôi đã và sẽ đăng tải trên website những tác phẩm của các tác giả trong nước đã ủy quyền và các tổ chức đại diện tập thể quyền nước ngoài đã ký kết hợp đồng ủy quyền cho chúng tôi. Nhưng việc này không thể làm xong trong một sớm, một chiều.

Nếu ai cũng cứ vin vào cớ đó để bắt bẻ chúng tôi tức là đang núp vào tình thế khó khăn của đất nước để không muốn công bằng xã hội

* Vậy Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã phân tách được những tác giả đã ủy quyền cho trung tâm trong các chương trình phát sóng trên tivi để thu tiền bản quyền âm nhạc hay chưa?

- Mức giá 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi mỗi năm là chúng tôi chỉ thu cho các tác giả đã ủy quyền cho chúng tôi. Còn những tác giả nào chưa ủy quyền thì chúng tôi không thu.

* Nhưng trên các chương trình tivi chắc chắn sẽ có những tác phẩm của những tác giả chưa ủy quyền cho trung tâm? 

Thậm chí có thể xảy ra trường hợp tivi phát sóng những chương trình không có bất cứ tác phẩm nào của các tác giả đã ủy quyền cho trung tâm? Vậy thì mức giá 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi mỗi năm sẽ lạm thu vào cả những tác giả chưa ủy quyền?

- Giá 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi mỗi năm là chúng tôi thu cho những tác giả trong và ngoài nước đã có hợp đồng ủy quyền cho chúng tôi, chứ không phải chúng tôi thu cả vào tác giả chưa ủy quyền.

Khoảng 4.000 tác giả trong nước và 4 triệu tác giả nước ngoài có hợp đồng ủy quyền với chúng tôi đã chiếm đến hơn 80% số lượng tác giả sáng tác âm nhạc trên toàn thế giới.

Nên sẽ không thể xảy ra trường hợp các chương trình phát trên tivi mà không có tác phẩm nào thuộc số những tác giả đã ủy quyền cho chúng tôi. Bởi nếu ước tính thì sẽ có tương ứng 80% các bài hát phát trên tivi là thuộc về chúng tôi.

Con số 25.000 đồng mỗi khách sạn là chúng tôi đòi cho 80% tác giả đó.

* Như ông nói, nếu có 80% tác giả trong và ngoài nước ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng không đồng nghĩa với việc có 80% số bài hát sử dụng trong các chương trình trên tivi là thuộc ủy quyền cho trung tâm? 

Bởi có những tác phẩm mới của tác giả mới có thể được phát sóng với tần suất nhiều hơn?

- Tất nhiên điều này là tương đối chứ không thể tuyệt đối. Nhưng giả dụ chúng tôi chỉ kiểm soát 50% số lượng tác phẩm âm nhạc thôi thì chúng tôi vẫn có thể đòi 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi mỗi năm. 

Giá của chúng tôi là như vậy đó. Còn nếu không thì phải lên đến 40.000 đồng, 50.000 đồng...

* Trước đây ông giải thích con số thu 25.000 đồng là ước tính tương đối chung cho các tác giả có tác phẩm phát trên tivi, nhưng giờ ông lại giải thích số tiền đó chỉ thu cho 80% tác giả đã ủy quyền cho trung tâm?

- Ngày xưa chúng tôi chưa giải thích rõ thì bây giờ chúng tôi giải thích cặn kẽ cho rõ hơn. Đó là cách tính tương đối, miễn là người ta nhiệt tình để chúng tôi được thực thi. Các quốc gia khác làm thì chúng ta cũng phải làm chứ.

Chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc này nhưng không thể ngày một ngày hai có thể xây dựng được hệ thống đó.

Hàn Quốc là nước phát triển mà mới chỉ đo đếm được tần suất sử dụng bài hát trong các chương trình karaoke. Vậy thì ở VN, làm sao có đủ khả năng và công nghệ để kiểm soát được giống như Hàn Quốc.

Chúng tôi làm với tất cả những cảm giác là chúng tôi đang thực thi pháp luật VN và thế giới. Nhưng phải thông cảm là chúng tôi phải đo đếm "bằng tay, bằng miệng" chứ chưa thể như các nước hiện đại

VŨ VIẾT TUÂN