0908.326.779 - 0906.362.707
 

Maxk Nguyễn vi phạm bản quyền?

05/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Maxk Nguyễn vi phạm bản quyền?
Mấy ngày nay, Maxk Nguyễn (Nguyễn Mạnh Khôi) đã gây bão trên mạng xã hội liên quan đến những tác phẩm của anh về Sài Gòn khi bị cộng đồng thiết kế quy kết là “nhái” và “chôm chỉa” từ các nghệ sĩ quốc tế.

Bỏ qua những bình luận gay gắt về lương tâm và đạo đức của một nhà thiết kế, thì câu chuyện này cũng chứa đựng những khía cạnh pháp lý mà bất kỳ nhà thiết kế nào cũng cần quan tâm.

p/Bức tranh của Maxk Nguyễn (trái) và của tác giả nước ngoài có nhiều điểm tương đồng. (Ảnh chụp màn hình).

Bức tranh của Maxk Nguyễn (trái) và của tác giả nước ngoài có nhiều điểm tương đồng. (Ảnh chụp màn hình).

Sáng tạo hay sao chép?

Xem qua các hình ảnh thiết kế của Maxk Nguyễn, đúng là có nhiều chi tiết giống với các phiên bản thiết kế trước đó như cộng đồng đã chỉ ra. Nhưng, để kết luận là sao chép hay sáng tạo thì không phải đơn giản. Ở đây có hai vấn đề cần phải làm rõ. Thứ nhất là có khả năng ý tưởng lớn gặp nhau hay không và thứ hai là vấn đề nghệ thuật chuyển dụng trong văn học nghệ thuật.

Thứ nhất, khả năng ý tưởng lớn gặp nhau. Trong thực tiễn thiết kế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp có sự tương đồng về ý tưởng và cách thể hiện tác phẩm giữa nhà thiết kế A với nhà thiết kế B, mặc dù không hề có sự liên kết nào giữa hai nhà thiết kế này trước đó. Khi đó, hai tác phẩm dù tương tự nhau nhưng có lịch sử ra đời hoàn toàn khác nhau, không hề có sự vay mượn ý tưởng giữa người này người khác. Tuy nhiên, tỷ lệ ý tưởng lớn gặp nhau không nhiều, đặc biệt là đối với trường hợp của Maxk Nguyễn lại có đến 4-5 tác phẩm giống với các thiết kế đã có trước đó. Đây cũng là lý do mà mọi người cho rằng Maxk Nguyễn đạo nhái. Thiết nghĩ, dư luận nên có cái nhìn rộng hơn về cả pháp lý lẫn chuyên ngành thiết kế đối với hành vi của Maxk Nguyễn trước khi “kết tội” một cá nhân sáng tạo trong xã hội khi xem xét đến khía cạnh thứ hai là “nghệ thuật chuyển dụng”.

Nghệ thuật chuyển dụng, được định nghĩa là sự sử dụng các yếu tố vay mượn trong công việc sáng tạo để ra tác phẩm mới. Trên thế giới, nghệ thuật chuyển dụng là cả một loại hình nghệ thuật nuôi sống rất nhiều nghệ sĩ. Khi đó người nghệ sĩ - một cách có ý thức và có tính toán, cân nhắc việc sao chép (copy) những tác phẩm của các nghệ sĩ khác để tạo nên tác phẩm của mình trên cơ sở tác phẩm gốc. Như vậy, nghệ thuật chuyển dụng – chính là vấn đề của Maxk Nguyễn. Nhưng thật tiếc, nó chưa được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nên các nghệ sĩ, nhà sáng tạo sẽ phải đối mặt với sự phán xét của dư luận khi tác phẩm của mình vay mượn ý tưởng từ những tác phẩm trước đó.

Nghệ thuật chuyển dụng có vi phạm bản quyền?

Nghệ thuật chuyển dụng có vi phạm bản quyền hay không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi và có câu trả lời khác nhau cho từng quốc gia.

Vì bản chất của hành vi này là có sao chép nhưng cũng có không ít sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân của tác giả sau đó. Cần phải nói thêm rằng, nghệ thuật chuyển dụng thông thường được sử dụng với một ý định có tính chất chỉ trích hoặc tính chất ngợi ca tác phẩm, tác giả gốc. Do đó, một số nước xem đó là một hình thức “tự do ngôn luận” trong nghệ thuật và cho phép được “tái sử dụng tự do” hoặc sử dụng một cách có văn hóa tác phẩm gốc.

Đối với trường hợp của Maxk Nguyễn, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ được tự động phát sinh mà không cần phải thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ. Đồng thời nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về tác giả. Trong trường hợp có tranh chấp thường sẽ áp dụng thủ tục giám định bởi một tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và kiến thức nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận. Nhưng trước khi chờ đợi những điều đó, trước tiên phải bắt đầu từ kết luận của chính Maxk Nguyễn, từ chính thái độ ứng xử nghệ thuật của người sáng tạo.

Các nhà sáng tạo nói chung như nhà thiết kế, đạo diễn sân khấu, nhà biên kịch… cần được trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật sở hữu trí tuệ để ứng xử tốt khi có vấn đề phát sinh, cũng như vừa tránh xâm phạm quyền của người khác và bảo vệ được quyền lợi của mình. Sao chép hay đạo nhái cần được lên án, nhưng không phải lúc nào cũng “tẩy chay” vì ranh giới giữa hai vấn đề này không hề rõ ràng và không phải mọi sự sao chép đều không chứa đựng yếu tố sáng tạo. Mà có sáng tạo thì luôn cần phải được tôn trọng, bởi thế giới đã và đang vận hành theo cách phát triển kế thừa, không một sự sáng tạo nào lại không có một nền móng từ cái đã có trước, ở trong lĩnh vực bản quyền lẫn sáng chế.

Một vài thực tế ở Việt Nam

  • Vi phạm bản quyền bức ảnh “Điêu đứng vì biển chết”. Từ bức ảnh “Điêu đứng vì biển chết” của tác giả Thành Quang đăng trên trang nhất báo Thanh Niên ra ngày 21/4/2016, họa sĩ Nguyễn Nhân đã mượn hình tượng này phóng tác lại bằng bút pháp hội họa bức tranh “Biển chết” và đi dự thi, đạt giải ba. Vụ việc sau đó bị phát hiện, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định kỷ luật họa sĩ Nguyễn Nhân với hình thức cảnh cáo, thời gian thử thách là 1 năm kèm theo các hình thức xử lý bổ sung như hủy kết quả và thu hồi giải thưởng, giấy chứng nhận, thu hồi kinh phí hỗ trợ sáng tác mỹ thuật năm 2016 của họa sĩ Nguyễn Nhân.
  • Vi phạm bản quyền bức ảnh “Nụ hôn của gió”. Tác giả Trần Thế Long được biết đến với bức ảnh “Nụ hôn của gió” đạt huy chương vàng trong cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế do FIAP bảo trợ. Tuy vậy, năm 2005, hàng chục nghìn bản tranh cổ động cỡ lớn 65x85 cm với nội dung “Đảng là cuộc sống của tôi” được Bộ Văn hóa - Thể thao cấp phép và phát hành nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng. Nội dung, đường nét, bố cục... trong bức tranh cổ động đều tương tự với bức ảnh “Nụ hôn của gió” chỉ thêm hình búa liềm và phần chữ do Nguyễn Trung Kiên đứng tên tác giả.