Vất vả thậm chí nguy hiểm khi lao động, tốn kém về kinh tế khi đầu tư… để có được những “đứa con tinh thần”trong nghệ thuật. Thế nhưng trong bối cảnh, vấn nạn vi phạm bản quyền diễn ra có phần phổ biến lại đòi hỏi các nghệ sĩ phải biết tự bảo vệ tác phẩm của chính mình
Trồng cây nhưng không được hái quả
Khoa học công nghệ phát triển, cùng nhu cầu làm nghề, thưởng thức cái đẹp qua nghệ thuật ảnh bung nở đã khiến khối lượng tác phẩm ảnh ra đời ngày càng nhiều. Mỗi ngày hàng nghìn nghệ sĩ có thể cho ra đời hàng triệu bức ảnh. Tuy nhiên việc bảo vệ bản quyền cho các bức ảnh dường như lại chưa được quan tâm đúng mức và đi chậm hơn rất nhiều so với những vi phạm đang lấn lướt.
Một nhiếp ảnh gia từng chia sẻ câu chuyện của bản thân: Nhiều năm trước, thấy ảnh của mình xuất hiện tràn lan trên mạng. Sau đó, ông rút kinh nghiệm, đưa lên mạng thì thu nhỏ kích cỡ, đính tên tác giả, nhưng tình trạng vi phạm không được cải thiện, nên đành chấp nhận.
Cách đây vài năm, hơn 100 bức ảnh của của một nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng được treo trái phép tại một khách sạn ở Hà Nội. Khi tìm hiểu, phía khách sạn cho biết các tác phẩm này do bên thiết kế cung cấp, “xin” được từ một phòng lab mà họa sĩ đã đưa ảnh đến in... Khi ấy, hai bên đành tự thỏa thuận, với giá mỗi bức ảnh bằng nhuận ảnh treo tại triển lãm.
Không ít họa sĩ cũng trở thành nạn nhân của vấn nạn vi phạm bản quyền. Lang thang phố cổ nhiều họa sĩ vô tình phát hiện ra tranh của mình được chép lại và bán ở nhiều cửa hàng. Khi hỏi, người bán hàng giới thiệu đấy là tác phẩm của một nữ họa sĩ tên a, b, c… - người nổi tiếng ở giới hội họa Đông Dương. Chủ nhân của những tác phẩm thực sự chỉ biết ngậm ngùi khi mất cả tiền lẫn danh.
Có thể nói, vấn nạn bản quyền ảnh giờ đây lên mức báo động. Trong khi bản quyền ảnh báo chí hiện nay chưa có sự thống nhất thì những chế tài xử phạt cũng chưa đủ “rắn” để có thể răn đe sự vi phạm.
Chính vì vậy tình trạng vi phạm bản quyền ảnh khá công khai và coi thường xử phạt của pháp luật. Không nhìn đâu xa, ngay trong hệ thống báo mạng, việc dẫn nguồn cũng chỉ cho có mà chưa có chế độ trả thù lao cho tác giả.
Hay việc copy ảnh trên mạng rồi mang về đăng trong trang mạng Facebook, Zalo… của mình vẫn diễn ra thường xuyên mà không xin phép tác giả. Bản thân tác giả ảnh khi bị lấy ảnh cũng không biết kêu ai mà chỉ biết cười trừ.
Hiện nay các trang mạng xã hội như Facebook, các trang chuyên ảnh là chỗ tiềm năng để các báo mạng “sài chùa” ảnh sau đó chỉ ghi theo ABC… Đây là hành động vi phạm bản quyền nghiêm trọng nhưng đã và đang diễn ra bình thường, không có cơ quan nào đứng ra phân xử, nếu có cũng rất ít và thiếu tính nghiêm minh.
Nếu trong thời gian tới, các cơ quan có chức năng không quan tâm nhiều hơn tới vấn đề bản quyền tác giả thì vấn nạn bản quyền không giảm bớt, tình trạng “làm mà không có công, trồng cây mà không được hái quả” đương nhiên vẫn diễn ra với các tác giả.
Bản quyền tác phẩm ảnh còn xảy ra ở tình trạng sao chép, cắt ghép… dẫn tới nhiều bức ảnh na ná nhau. Đây được giới nghề coi như sự ăn cắp về ý tưởng - một cách ăn trộm bản quyền tinh vi, khó phân biệt trắng đen.
Nhưng nhiều tác giả nhiếp ảnh trẻ khi chứng kiến tác phẩm của mình bị sử dụng tràn lan trên các trang mạng, bị trưng bày tại các tụ điểm, nhà hàng, khách sạn, nơi kinh doanh, làm tăng giá trị của địa điểm đó thì có thái độ và đòi hỏi quyết liệt hơn để bảo vệ quyền lợi. Song không vì thế mà vấn nạn bản quyền được loại bỏ mà chỉ giảm bớt trong một phạm vi, trừng mực nào đó.
Không chỉ công chúng sử dụng tác phẩm không bản quyền, mà chính nghệ sĩ cũng bị cáo buộc vi phạm, khi cho ra ảnh na ná nhau. Nhiều nghệ sĩ than vãn, sau mỗi kỳ trao giải cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc hoặc địa phương, giới nhiếp ảnh sẽ tràn ngập tại nơi tác giả đã chụp, lặp lại cả về thời gian, góc máy, hướng sáng, thậm chí nhân vật... Đây là bi kịch khi nghệ sĩ sao chép, ăn cắp ý tưởng, triệt tiêu tính độc lập, sáng tạo.
Bản quyền – Bài toán nan giải
Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật dễ vi phạm bản quyền nhiều nhất bởi sự phát triển của công nghệ đã vô tình tiếp tay cho những người sao chép, chỉnh sửa ảnh. Chính vì vậy giải quyết vấn đề bản quyền trong nhiếp ảnh phải mang tính định hướng, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà phải có thời gian.
Đã làm nghệ thuật thì phải tôn trọng sự chân thực, người nghệ sĩ chân chính không bao giờ được phép sao chép tác phẩm của người khác thành tác phẩm của mình.
Cũng theo giới chuyên môn, Luật pháp về bản quyền ở nước ta đã có với một hệ thống khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan…
Thế nhưng, tính ứng dụng của các văn bản này trong từng trường hợp của thực tế đời sống lại chưa cao. Trong khi ấy, nạn vi phạm bản quyền nghệ thuật ngày một đa dạng và phức tạp.
Nghệ sĩ cần chủ động phòng ngừa vi phạm bản quyền, như: chú ý bản quyền khi giao nhận, công bố, cho tặng, gửi file ảnh, đăng tải trên mạng xã hội; bảo vệ bằng biện pháp công nghệ khi công bố tác phẩm và thông tin ảnh qua trang web cá nhân hoặc web có uy tín; đưa thông tin của mình gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; lưu giữ file gốc và thông tin liên quan để làm chứng khi cần thiết; đăng ký bản quyền cho tác phẩm. Mỗi nhiếp ảnh gia phải tự tìm cách bảo vệ tác phẩm của mình như in logo, tên tác giả vào mỗi bức ảnh…
Tuy nhiên, những cách này cũng không thể ngăn cản tuyệt đối tình trạng vi phạm bản quyền. Nhiều họa sĩ đã đề xuất về vấn đề tác quyền cũng nên được đưa vào giảng dạy cho sinh viên các trường nghệ thuật để cho các em bảo vệ quyền lợi của mình sau này.
Với sự vi phạm nhiều và ngày càng tinh vi của ảnh nghệ thuật thì có lẽ tại thời điểm hiện tại bản thân nghệ sĩ phải tự mình nâng cao chất lượng nghề nghiệp, tạo ra những tác phẩm có cá tính riêng, không ai có thể bắt chước. Song, nói gì đi chăng nữa thì rõ ràng đây cũng chỉ là những giải pháp đi sau còn tự thân nghệ sĩ vẫn phải lo tự bảo vệ tác phẩm của mình với cách làm riêng.
Vấn đề bản quyền ở nhiều nước trên thế giới rất được coi trọng và có những biện pháp bảo hộ cũng như luật xử lý nghiêm minh khi vi phạm. Các tác phẩm của người nghệ sĩ luôn được bảo vệ cẩn thận bản quyền. Ở nước ta, vấn đề bản quyền dường như các giải pháp bảo vệ và cách xử lý còn nhẹ nhàng nên những người làm nghệ thuật bên cạnh việc sáng tạo tác phẩm vẫn phải loay hoay tìm cách cách bảo vệ tác phẩm của mình.