0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thu tác quyền âm nhạc: Không minh bạch, khó nói chuyện thu tiền!

15/06/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Thu tác quyền âm nhạc: Không minh bạch, khó nói chuyện thu tiền!
Ngay sau khi phải tạm dừng việc thu tác quyền âm nhạc đối với tivi sử dụng trong các phòng khách sạn, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc VN một lần nữa làm dấy lên tranh cãi khi đặt vấn đề thu tác quyền nhạc nền đối với các quán cà phê, nhà hàng hay thậm chí là bãi gửi xe, bệnh viện…

Mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc tại các quán cà phê, nhà hàng được Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc VN (VCPMC) tính toán dựa trên số lượng chỗ ngồi của từng quán. Cụ thể, với những quán có từ 1-30 chỗ ngồi, sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm cho việc sử dụng các bản ghi âm, ghi hình làm nhạc nền và phải trả 4,5 triệu đồng/năm nếu sử dụng cả nhạc nền và nhạc sống.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết: “Mức nhuận bút này đã được chúng tôi tính toán rất cẩn thận, chia ra nhiều mức để hợp lý với các quán ở nhiều địa điểm khác nhau như ở trung tâm thành phố, ngoại ô, nông thôn, miền núi…”.

Một trong những cơ sở pháp lý để được VCPMC viện dẫn để thu tác quyền tại các quán cà phê, nhà hàng… là quy định về “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” tại điểm B khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và Khoản 1 Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Quyền này bao gồm cả việc biểu diễn tác phẩm trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ tại gia đình.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương thì trên lý thuyết, VCPMC có quyền thu tác quyền đối với cả các bệnh viện, nhất là những bệnh viện kinh doanh. Đối chiếu với thực tế thì trên nhiều bìa đĩa nhạc được phát hành trên thị trường cũng có ghi chú: “Sản phẩm đã được đăng ký bản quyền, chỉ được sử dụng riêng hoặc trong gia đình. Không được sao chép hoặc tải lên mạng khi chưa được sự đồng ý của nhà sản xuất…”.

Như vậy, có thể thấy VCPMC có cơ sở để thực hiện việc thu tác quyền đối với các đơn vị kinh doanh như quán cà phê, nhà hàng hay thậm chí là cả bãi gửi xe, bệnh viện. Vậy tại sao Trung tâm này luôn vấp phải sự phản ứng của dư luận mỗi khi triển khai việc thu tiền tại một lĩnh vực mới hay địa phương mới?

Ghi chú về tác quyền trên một số bìa đĩa phát hành trên thị trường

Một trong những lý do phổ biến nhất mà các cơ sở kinh doanh luôn đưa ra để từ chối việc nộp tác quyền là VCPMC phải chứng minh được vai trò đại diện của mình đối với chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm âm nhạc. “Trước khi nộp tiền, chúng tôi phải biết Trung tâm có được các tác giả ủy quyền hay không và nếu có thì là những tác giả nào ủy quyền? Sẽ rất khó cho chúng tôi nếu như Trung tâm đến thu tiền mà không mang theo các văn bản ủy quyền”, một chủ quán cà phê tại Hà Nội cho biết. Nhạc sĩ Phó Đức Phương thì lại cho rằng lý do này là một cách làm khó cho VCPMC vì Trung tâm đại diện cho gần 4 nghìn tác giả trong nước và hàng triệu tác giả nước ngoài thông qua các thỏa thuận hợp tác song phương với các tổ chức quốc tế, không thể đi đâu cũng mang theo số lượng hợp đồng quá lớn này. Giám đốc VCPMC khẳng định Trung tâm sẵn sàng tiếp các cơ sở kinh doanh tại trụ sở để cho họ xem các hợp đồng ủy quyền.

Tuy nhiên, cách trả lời của người đứng đầu VCPMC xem ra khó thuyết phục. Yêu cầu được xem hợp đồng ủy quyền của các tác giả cho VCPMC trước khi đóng tiền là yêu cầu chính đáng của các cơ sở kinh doanh và chứng minh quyền đại diện hợp pháp của mình là điều tối thiểu mà VCPMC cần phải làm trong quá trình tác nghiệp. Câu hỏi về sự chính xác, rõ ràng trong việc thu tác quyền của VCPMC đã được đặt ra trong suốt nhiều năm nay. Nếu như VCPMC vẫn không thể đưa ra những lời giải thỏa đáng thì phản ứng của dư luận với quá trình tác nghiệp của Trung tâm là điều dễ hiểu. Không minh bạch thì khó nói chuyện thu tiền!

Thúy Hằng