Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đỗ Hồng Xoan khẳng định: Việc Trung tâm Bảo vệ
quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có ti vi với mức phí 25.000 đồng/ti vi từ tháng 10/2017 là tùy tiện.
Việc thu tiền
bản quyền tác giả tại các phòng lưu trú của khách sạn chỉ được thực hiện khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã xác định chính xác
tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả là chủ sở hữu và là hội viện của trung tâm này.
Ngoài ra, Trung tâm phải xây dựng được định mức của quyền tác giả, tác phẩm được khai thác, sử dụng và tiến hành đàm phán với từng khách sạn. Nếu các khách sạn đồng thuận, Trung tâm phải báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận mới được phép thu phí.
Trước đó, do nhận thấy việc tiến hành thu phí tác quyền qua ti vi tại khách sạn của Trung tâm Bảo về quyền tác giả Việt Nam còn chưa minh bạch, rõ ràng, cuối tháng 5/2017, Cục
Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra văn bản quyết định dừng việc thu phí này.
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng, văn bản đã ghi rõ việc tạm dừng này sẽ diễn ra đến khi Trung tâm xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Làm rõ được các vấn đề đó, việc thu phí mới được tiếp tục đúng theo luật định.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho rằng việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để việc làm này thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, Cục Bản quyền tác giả đề nghị Trung tâm phải thực hiện đúng quy trình, có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm.
Với việc Trung tâm ấn định mức 25.000 đồng/ti vi/năm, ông Hùng cho rằng không thể lấy mức giá ở một thành phố đang phát triển để áp dụng với những nơi vùng sâu, vùng xa được, như vậy chẳng khác nào bị đội giá lên cả.
Để thực hiện việc thu tác quyền âm nhạc qua ti vi trong khách sạn, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải chứng minh khách vào khách sạn có xem ti vi.
Ngoài ra, khi tiếp tục thu khoản tiền này, Trung tâm phải xác định được trong phòng khách sạn có ti vi, ti vi có phát chương trình sử dụng tác phẩm âm nhạc hay không? Tác phẩm âm nhạc đó có thuộc tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm hay chưa?... Còn thu bao nhiêu tiền thì do các bên tự thỏa thuận.
Tới đây, Cục sẽ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam để sử dụng phương tiện phần mềm công nghệ thông tin để kiểm soát chiết xuất tần suất phát sóng các tác phẩm âm nhạc. Để từ đó, minh bạch hơn cho các bên liên quan trực tiếp được hưởng lợi.
Khi nghe thông tin Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ tái thu tiền tác quyền âm nhạc đối với ti vi trong khách sạn, bà Dương Thị Thơ, Phó Chủ tịch phụ trách Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng - nơi được chọn tiến hành thu phí tác quyền trên ti vi ở khách sạn từ 1 đến 3 sao đầu tiên trong cả nước, khẳng định: Đến nay, Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả Việt Nam chưa làm việc và đưa ra giải thích với các khách sạn tại Đà Nẵng nên Hiệp hội sẽ "phản đối đến cùng" việc thu phí với ti vi. Chưa thông, các khách sạn sẽ không nộp - bà Thơ nhấn mạnh.
Theo bà Thơ, việc thu như vậy là "phí chồng phí" bởi các khách sạn đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp; hơn nữa, ti vi ở khách sạn là một tập hợp cả trăm chương trình chứ không riêng về âm nhạc.
Về phần mình, ông Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động thu phí bởi "việc thu phí tác quyền không thể dừng lại được vì hoàn toàn đúng luật”.
Ông Phương cho rằng, Trung tâm đã chấp nhận xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện theo tiến trình; có kế hoạch phân phối cho tác giả căn cứ theo danh mục của các đài truyền hình cung cấp. Như vậy Trung tâm cũng đã thỏa mãn và hoàn thành trách nhiệm trong điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Theo ông Phương, việc chứng minh khách vào khách sạn có xem ti vi hay không, không ai chứng minh được. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, tất cả các hoạt động kinh doanh mà tạo điều kiện cho việc tiếp cận tác phẩm đến khách hàng, công chúng, đương nhiên phải có trách nhiệm trả tiền quyền truyền đạt tác phẩm của tác giả đến công chúng.
Ông Phương cho rằng xác định thu tiền bản quyền âm nhạc trên ti vi trong khách sạn có đúng tần suất hay không, không phải quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng có điều kiện để làm việc đó. Có thể hiện tại Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam chưa đủ các phương tiện để kiểm tra, đo đếm ti vi trong khách sạn mở chương trình gì, bài hát nào... Do vậy, Trung tâm mới đưa ra một giá khoán trong cả năm là 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có ti vi.
Sắp tới, Trung tâm sẽ đề nghị các đài truyền hình đã ký hợp đồng cung cấp danh mục các bài hát phát trên ti vi. Dựa trên danh mục đó, Trung tâm sẽ phân phối tiền thu được cho các tác giả đã ủy quyền cho mình.
Còn việc chứng minh ủy quyền, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam khẳng định: Trung tâm đã, đang và sẽ đăng tải trên website những tác phẩm của các tác giả trong nước đã ủy quyền và các tổ chức đại diện tập thể quyền nước ngoài đã ký kết hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm. Nhưng việc này không thể làm xong trong một sớm, một chiều.
Đầu tháng 5/2017, hàng loạt khách sạn từ 1-3 sao ở thành phố Đà Nẵng nhận được công văn từ Trung tâm Bảo vể vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam, chi nhánh phía Nam yêu cầu “Khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”.
Văn bản gửi kèm khoản thu đối với phòng ngủ/phòng khách sạn có sử dụng ti vi với mức giá 25.000 đồng mỗi phòng một năm. Công văn gây bất ngờ, bức xúc với các đơn vị kinh doanh khách sạn