Mấy tháng trước, nhiếp ảnh gia Trung Nguyên (Cao Bằng) thông báo: “Tôi đã gửi đơn kiện về bản quyền ảnh”. Trung Nguyên là tác giả của bức ảnh “Thác Bản Giốc”. Đơn vị bị kiện là Bưu điện tỉnh Cao Bằng
Đơn kiện ghi rõ: “Tôi có tác phẩm nhiếp ảnh “Thác Bản Giốc” được chụp từ năm 2007, hiện Bưu điện tỉnh Cao Bằng đang sử dụng tác phẩm “Thác Bản Giốc” khi chưa được sự đồng ý của tôi”. Anh nêu rõ hoàn cảnh ra đời tác phẩm: “Tác phẩm nhiếp ảnh “Thác Bản Giốc” được tôi chụp vào 9 giờ 35 phút, buổi sáng ngày 23/6/2007 tại Thác Bản Giốc, là một thắng cảnh thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trong ảnh thể hiện cảnh thác đổ từ trên cao xuống, núi và mây trời, người trên thuyền đang thăm quan và thưởng ngoạn vẻ đẹp của thác”.
Nhiếp ảnh gia phát hiện Bưu điện tỉnh Cao Bằng dùng ảnh của mình từ cuối năm 2016, “Thác Bản Giốc” được in trên phong bì để kinh doanh thu lợi nhuận. Hình thức phản đối đầu tiên của Trung Nguyên là nhắn tin tới giám đốc Bưu điện tỉnh Cao Bằng thông báo việc sử dụng ảnh như trên là vi phạm quyền tác giả. Bưu điện tỉnh Cao Bằng hồi đáp: Tác giả không có căn cứ chứng minh đây là tác phẩm do mình sinh ra.
Vì thế, Trung Nguyên đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng. Ngoài những yêu cầu: Buộc Bưu điện tỉnh Cao Bằng chấm dứt hành vi sử dụng tác phẩm “Thác Bản Giốc” để kinh doanh; xin lỗi công khai tác giả trên báo, đài tỉnh… thì yêu cầu khiến người ta quan tâm nhất là bồi thường về vật chất. Trung Nguyên liệt kê: Thiệt hại về vật chất năm trăm triệu đồng; thiệt hại về tinh thần năm mươi triệu đồng; buộc Bưu điện tỉnh Cao Bằng thanh toán chi phí cho luật sư là hai trăm năm mươi triệu đồng.
Theo Trung Nguyên: Đây là vụ kiện đầu tiên ở Cao Bằng về vấn đề bản quyền nhiếp ảnh. Nhiều người nói đùa: Nhiếp ảnh gia sắp… lãi to. Bởi bức ảnh trong vụ kiện đã có giá tới trên nửa tỉ đồng. Bản thân người đi kiện chỉ cười: “Khung đó trong luật quy định. Bọn mình áp mức tối đa. Còn lại do tòa quyết. Tòa tuyên một đồng thì cũng phải chịu”. Mong muốn thực sự của Trung Nguyên qua vụ kiện: “Phải làm thế để sau này các đơn vị kinh doanh chừa. Và cho anh chơi ảnh thấy quyền lợi của anh được bảo vệ ra sao”.
Chuyện vi phạm bản quyền ảnh vốn không có gì mới. Còn nhớ vụ Công ty Bến Thành Tourist từng dùng không trả tiền bản quyền ảnh chụp bình minh Bhutan của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng. Bức ảnh này đã được tác giả của nó cẩn thận đăng ký bản quyền, đã mang ra triển lãm và bán cho người khác. Khi sự việc vỡ lở, Bến Thành Tourist gửi lời xin lỗi tác giả và giải thích hồn nhiên rằng: Vì nhân viên quản trị trang fanpage của công ty thấy bức ảnh quá đẹp nên mới “tiện tay”.
Người ta cũng đã nghĩ đến chuyện thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh nhưng có vị chức sắc trong Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam lên tiếng, đó là việc bất khả thi vì: Hội lấy đâu ra tiền để làm chuyện đó? Song kể cả trung tâm ra đời thì các nghệ sỹ nhiếp ảnh cũng không nên đặt quá nhiều hi vọng. Đầu tiên, chính các tác giả phải thực hiện đúng việc đăng ký bản quyền thì mới có cơ sở để luật bảo vệ.