Những lùm xùm quanh kịch bản Ngày xưa - vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - vẫn chưa có hồi kết khi đang có tới 3 vụ kiện liên quan đến vở diễn này được các bên liên quan nộp đến tòa án.
Tranh chấp nảy sinh kể từ năm 2015, khi Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (gọi tắt là Tuần Châu) ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (Công ty DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm giám đốc.
Từ hợp tác đến... kiện tụng
Hợp đồng trị giá hơn 7 tỉ đồng với nội dung Công ty DS thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh Tuần Châu Hà Nội.
Theo hợp đồng, đạo diễn Nguyễn Việt Tú đã xây dựng kịch bản Ngày xưa với tổng chi phí mà Tuần Châu đầu tư khoảng 13 tỉ đồng. Vở diễn sau đó được đổi tên thành Thuở ấy xứ Đoài và được trình diễn vào giữa năm 2017. Tuy nhiên sau đó giữa ông Tú và Tuần Châu xảy ra tranh chấp bản quyền.
Đạo diễn Việt Tú cho rằng sau khi ký hợp đồng, ông đã dùng kịch bản có sẵn từ năm 2010 để xây dựng thành vở Ngày xưa nhưng Tuần Châu tự ý đăng ký quyền tác giả cho đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Sau đó, Tuần Châu thuê đơn vị khác dàn dựng một vở diễn tương tự kịch bản Ngày xưa có tên gọi Tinh hoa Bắc Bộ. Vở này đã sử dụng lại toàn bộ hạ tầng kiến trúc và mỹ thuật được thiết kế cho vở diễn Ngày xưa là "đạo" lại tác phẩm của ông.
Phía Tuần Châu lại cho rằng kịch bản Ngày xưa do mình đầu tư nên phải là chủ sở hữu quyền tác giả nhưng ông Tú đã cố tình chiếm đoạt bằng cách tự đăng ký quyền tác giả. Công ty DS của ông Tú còn cố tình trì hoãn không thực hiện hợp đồng, tự ý công bố vở diễn làm ảnh hưởng đến quyền tài sản của họ.
Tháng 12-2017, Tuần Châu khởi kiện Công ty DS, yêu cầu tòa buộc ông Tú phải chuyển giao quyền sở hữu tác giả cho mình. Tuần Châu còn yêu cầu Công ty DS chấm dứt quảng cáo, giới thiệu và khai thác kịch bản này, đồng thời bồi thường hơn 6 tỉ đồng do vi phạm hợp đồng.
Công ty DS kiện ngược lại Tuần Châu và xác định đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Công ty DS yêu cầu tòa buộc Tuần Châu chấm dứt mọi hành vi xâm phạm kịch bản Ngày xưa và bồi thường 400 triệu đồng do xâm phạm quyền tác giả.
Chuyện giữa đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu chưa xong thì mới đây đạo diễn Nhật Nam lại nộp đơn khởi kiện đạo diễn Việt Tú ra TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Theo ông Nam, ông là đồng tác giả và là đồng sở hữu kịch bản Tinh hoa Bắc Bộ. "Kịch bản này đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cấp chứng nhận quyền tác giả nhưng ông Tú lại gửi văn bản yêu cầu tôi phải dừng tổ chức biểu diễn vì cho rằng nó được xây dựng trên ý tưởng và nội dung kịch bản Ngày xưa. Chưa hết, ông Tú còn phát biểu trên báo chí, mạng xã hội nói tôi sử dụng lại kịch bản của ông ấy là xúc phạm tôi".
Do vậy, ông Nam đề nghị tòa tuyên buộc ông Tú cùng Công ty DS phải chấm dứt hành vi xâm phạm danh dự, uy tín của mình và công khai xin lỗi ông.
Đạo diễn Việt Tú cho rằng đơn kiện của ông được TAND TP Hà Nội thụ lý và ông Nam là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, TAND quận Bình Thạnh không thể thụ lý tiếp vụ kiện này.
Trong khi đó, đạo diễn Nhật Nam nói: "Việc tôi kiện ở TAND quận Bình Thạnh là yêu cầu ông Tú xin lỗi vì đã phát biểu tôi "đạo, nhái" tác phẩm. Nó khác vụ tranh chấp giữa ông Tú và Tuần Châu".
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam (phải) và đạo diễn Việt Tú
Có căn cứ để nhập vụ án?
Vậy ba vụ kiện này có bị chồng chéo và có thể nhập vụ án hay không?
Trả lời về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết nếu các bên nộp đơn khởi kiện và đáp ứng đủ điều kiện thì tòa sẽ thụ lý. Cả hai vụ án đều là tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa kinh tế TAND TP Hà Nội.
Việc TAND TP Hà Nội thụ lý cả hai vụ án do hai pháp nhân khởi kiện, theo luật sư Đức là không sai. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết hai vụ án, nếu thấy có đủ căn cứ nhập vụ án thì tòa sẽ ra quyết định nhập vụ án theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự.
"Để xác định việc nhập vụ án có căn cứ hay không thì cần phải căn cứ vào quan hệ pháp luật tranh chấp và yêu cầu của các bên. Theo tôi, trong vụ việc của phía Tuần Châu và Công ty DS có căn cứ để nhập vụ án.
Bởi lẽ, cả hai đều khởi kiện liên quan đến việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời yêu cầu của Công ty DS có yếu tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của Tuần Châu. Giữa yêu cầu của hai công ty có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì sẽ chính xác và nhanh hơn" - luật sư Đức cho biết.
Đối với tranh chấp giữa ông Nam và ông Tú, luật sư Đức cho rằng cần tách bạch hai nội dung: trong vụ án tranh chấp giữa Tuần Châu và Công ty DS do TAND TP Hà Nội thụ lý thì ông Nam là người có liên quan đến kịch bản nên ông có thể có đơn yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
"Với việc ông Nam cho rằng ông Tú có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do uy tín, danh dự bị xâm phạm. Đây là một vụ án độc lập, không liên quan đến vụ án mà TAND TP Hà Nội đang thụ lý. Do đó, TAND quận Bình Thạnh chỉ thụ lý phần yêu cầu bồi thường thiệt hại do uy tín, danh dự bị xâm phạm. Riêng phần liên quan đến kịch bản thì TAND quận Bình Thạnh không thể thụ lý do có liên quan đến vụ án mà tòa Hà Nội đang thụ lý" - luật sư Đức cho biết.
Cả hai vụ kiện này đều đang được TAND TP Hà Nội thụ lý làm hai vụ riêng biệt. Trong khi phía Tuần Châu cho biết sẽ kiến nghị tòa nhập hai vụ án làm một với Tuần Châu là nguyên đơn còn Công ty DS là bị đơn và có yêu cầu phản tố, thì ngược lại đạo diễn Việt Tú không đồng ý nhập vụ án vì ông khởi kiện độc lập và được tòa thụ lý. Hiện nay, TAND TP Hà Nội chưa có ý kiến về kiến nghị này.