Nhập hàng từ nước ngoài, cắt mác, gắn tem thương hiệu trong nước... là thủ đoạn không mới, nhưng rất khó kiểm soát. Thậm chí, có những doanh nghiệp gây dựng được thương hiệu uy tín cũng vẫn gian lận, điển hình như Khải Silk. Ngoài tác động làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại “sân nhà”; nghiêm trọng hơn, về lâu dài giá trị thương hiệu Việt Nam bị ảnh hưởng. Để khắc phục thực trạng này, các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe các vi phạm.
Vi phạm phức tạp
Khảo sát tại một số tuyến phố chuyên kinh doanh các sản phẩm thời trang như: Bà Triệu, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Ðức Thắng, Minh Khai… có rất nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các thương hiệu may mặc nổi tiếng trong nước như: May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, Ðức Giang… Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng rất khó nhận biết đâu là những sản phẩm thật của các doanh nghiệp may mặc có uy tín trong nước.
Bà Nguyễn Thu Trà, nhân viên kinh doanh Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, để bán được nhiều sản phẩm, không ít cửa hàng, đại lý cố tình sử dụng nhãn hiệu, nhái thương hiệu của doanh nghiệp có uy tín nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, những năm gần đây, hằng năm, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý hơn 100.000 vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó sản phẩm dệt may thời trang chiếm phần lớn.
Nổi cộm mới đây nhất, sau khi nhận được phản ánh của người tiêu dùng về thương hiệu thời trang Seven.am nhập thêm hàng Trung Quốc, thay đổi nhãn mác từ Trung Quốc thành “Made in Vietnam” trên một số sản phẩm khăn, quần áo..., ngày 11-11-2019, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra, ghi nhận trên toàn bộ các sản phẩm được bán tại các showroom Seven.am đều có tem của sản phẩm Seven.am, xuất xứ "Made in Vietnam" có gắn dấu hợp quy.
Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất, mà chỉ ghi địa chỉ doanh nghiệp phân phối đó là "Công ty cổ phần MHA".
Trước đó, ngày 4-11, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện một cơ sở may mặc tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên) nhập hàng nước ngoài sau đó thay bằng nhãn các thương hiệu Việt. Tổng trọng lượng số hàng hóa khoảng 4 tấn, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, trong quá trình phát triển các thương hiệu nội địa, Tập đoàn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường, khiến doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để kiếm lợi nhuận, rất nhiều cửa hàng đã cố tình làm giả các sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín khác bằng cách thuê các xưởng may gia công thực hiện, với mức giá rất rẻ so với giá thị trường; hoặc thuê các đối tác ở nước ngoài sản xuất với số lượng lớn, có giá "siêu rẻ" rồi vận chuyển về Việt Nam, sau đó cắt, gắn nhãn mác doanh nghiệp nổi tiếng để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Thực tế cho thấy, hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn gây thiệt hại trực tiếp tới các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp dệt may trong nước, khiến cho sản phẩm chính hãng không bán được. Nghiêm trọng hơn, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Việt Nam là một nước xuất khẩu dệt may, nếu không kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, thì các nước khác sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn việc xuất khẩu của ngành Dệt may ra thị trường quốc tế. Ðiều đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, người dân, cũng như người lao động ngành Dệt may.
Chia sẻ về tình trạng giả thương hiệu, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 phản ánh, thời gian qua, có một số đơn vị, hoặc nhà cung cấp cố tình làm giả tên thương hiệu gần giống, chỉ khác một số ký tự,… làm cho người tiêu dùng lầm tưởng đó là sản phẩm của May 10.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái gắn mác thương hiệu, doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp cũng như chiến lược bảo vệ thương hiệu của mình như liên tục ra mắt các sản phẩm, mẫu thời trang mới, đồng thời bảo hộ kiểu dáng; hệ thống nhận diện thương hiệu được đồng bộ từ khâu bao bì, đóng gói, đến phân phối, tiêu dùng.
Về mặt kỹ thuật, trong tất cả các sản phẩm của May 10 đều có một sợi chống hàng giả được dệt cùng nhãn mác sử dụng; có tem chống hàng giả, khi soi kính lúp có thể nhìn được toàn bộ logo, ký hiệu đặc biệt để phân biệt được đó có phải là sản phẩm của May 10 hay không.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tình trạng sản phẩm dệt may bị làm giả, làm nhái đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ như quản lý kỹ thuật, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết để phân biệt hàng giả, hàng nhái.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, về phía người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, kiên quyết tẩy chay những doanh nghiệp, đơn vị cố tình làm giả, nhái thương hiệu của các doanh nghiệp có uy tín để trục lợi như hiện nay