Việc xây dựng thương hiệu gắn với xác lập quyền sở hữu trí tuệ như bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu… đang được chính quyền và người dân các địa phương miền núi chú trọng, định hướng nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương
Gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa
Được đánh giá là “hiện tượng kinh tế nông nghiệp”, Sơn La đang là một trong những vựa cây trái lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 80.000 ha. Cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật... việc xây dựng thương hiệu gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL), bảo hộ nhãn hiệu… cũng được chính quyền và người dân Sơn La chú trọng, nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương.
|
Cà phê của Hợp tác xã cà phê Bích Thao đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế |
Ông Phạm Quang An, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, đã có hơn 20 sản phẩm nông sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 CDĐL, 15 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, và 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Đây là các sản phẩm mang tính đặc thù về chất lượng và là sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Có mặt tại Hợp tác xã Cà phê Bích Thao thuộc xã Hua La - TP. Sơn La - một trong những hợp tác xã đi đầu trong xây dựng quy mô sản xuất và xuất khẩu cà phê chất lượng cao, ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao chia sẻ: Sản phẩm cà phê Sơn La được cấp CDĐL từ năm 2017, với 3 loại sản phẩm là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột. Đây là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của cà phê Sơn La với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Trước đây khi chưa được cấp quyền sử dụng CDĐL, hợp tác xã chủ yếu thu mua sơ chế và ủy thác xuất khẩu còn bây giờ đã chủ động trong việc xuất khẩu không phải thông qua khâu trung gian. Hiện nay, hợp tác xã đang đầu tư, xây dựng nhà xưởng sơ chế cà phê với công suất gần 20 tấn cà phê nhân/ngày để liên kết, bao tiêu sản phẩm với 800 hộ dân trên địa bàn các xã của thành phố Sơn La.
“Việc cấp CDĐL đã mang lại thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã, nhiều khách hàng trong nước và ngoài nước biết đến là cà phê chất lượng cao, mang lại giá cả ổn định cho bà con” - ông Thao nói, đồng thời cho hay, năm 2020, hợp tác xã đã tiêu thụ và xuất khẩu được trên 2.000 tấn cà phê nhân với tổng doanh thu trên 60 tỷ đồng/năm. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu sang Đức, Pháp, Mỹ và các nước Trung Đông. Ngoài ra, sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị...
Trở lại Mèo Vạc, vùng núi đá trên đỉnh trời của Hà Giang, nơi đây có một đặc sản nổi tiếng đó là mật ong được khai thác từ nguồn mật của hoa cây bạc hà dại mọc trên đất núi đá, được khai thác vào khoảng tháng 3, tháng 4 và tháng 10, tháng 11 hàng năm. Nhằm phát huy giá trị mật ong bạc hà Mèo Vạc, từ năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận CDĐL cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc.
Việc xây dựng và quản lý CDĐL đã giúp mật ong bạc hà Mèo Vạc được bảo hộ và thẩm định theo quy trình từ sản xuất thu hoạch, đóng chai và lưu thông đảm bảo khoa học. Bên cạnh đó, đã mở ra cơ hội cho loại mật ong này đủ sức cạnh tranh trên thị trường và góp phần để người dân mạnh dạn đầu tư vốn cho việc nuôi ong, tăng thu nhập. Cụ thể, việc xây dựng CDĐL đã giúp giá thành sản phẩm mật ong tăng lên gấp 2,5 lần. Nếu trước khi xây dựng CDĐL chỉ khoảng 170-200 nghìn đồng/lít, sau khi xây dựng đạt 400-500 nghìn đồng/lít.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, để phát triển sản xuất và khai thác hiệu quả những giá trị mà CDĐL, bảo hộ nhãn hiệu… mang lại, Sơn La luôn quan tâm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, cũng như tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Hiện Sở đang tiếp tục phát triển thương hiệu cho 7 sản phẩm, gồm: Chuối Yên Châu, chanh leo Sơn La, mận hậu Sơn La, rau an toàn Sơn La, xoài Sơn La, nhãn Sơn La và bơ Sơn La.
“Việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương; đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của bà con các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh” - bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Trưởng phòng quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: Hỗ trợ các địa phương, nhà sản xuất bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, là một trong những hoạt động luôn được Cục Sở hữu trí tuệ chú trọng, thúc đẩy. Trong 5 năm qua, thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, có hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, quản lý chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ, kết nối thương mại sản phẩm…
Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Đặc biệt, thông qua hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung, chặt chẽ và chuyên canh sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo dụng được công cụ quản lý và các căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.
Theo đó, trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, trong đó sẽ chú trọng tới việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý CDĐL, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; khai thác, phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị; giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.