CEO kiêm nhà sáng lập Sconnect Vietnam phản ánh, việc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm sử dụng nhãn hiệu bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo, và mạo danh chủ sở hữu Wolfoo từ đối thủ đã khiến doanh nghiệp (DN) thiệt hại hơn 1 triệu USD từ đầu năm đến nay.
Nhiều vướng mắc
Nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các DN Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu cả thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các DN tham gian trong nền kinh tế Internet đang phải gặp những thách thức lớn.
Tại Tọa đàm "Bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số" do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Pess Club) tổ chức sáng 28/9 tại Hà Nội, ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO & Nhà sáng lập Sconnect Vietnam đã nêu cụ thể vướng mắc, khó khăn của DN liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Là DN kinh doanh chủ yếu trên nền tảng Youtube, Sconnect tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định và chính
sách của Youtube, của pháp luật; cũng như đã có các giấy chứng nhận bản quyền hình ảnh các nhân vật, kịch bản phim hoạt hình Wolfoo tại cả Việt Nam và Mỹ từ đầu năm 2019.
Tuy nhiên, trong năm 2022, Sconnect - đơn vị sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Entertainment One (EO) - đơn vị sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig có sự tranh chấp về SHTT của bộ nhân vật hoạt hình.
Ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO & Nhà sáng lập Sconnect Vietnam.
Tháng 1/2022, EO nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Nga với cáo buộc bộ nhân vật Wolfoo là sản phẩm làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig. Đăng tải và phổ biến bất hợp pháp trên Internet các tác phẩm phái sinh - tức là các video hoạt hình Wolfoo. 1 tháng sau đó, EO cũng nộp đơn khởi kiện Sconnect ra tòa án cấp cao tại Vương quốc Anh với các cáo buộc Sconnect vi phạm bản quyền, vi phạm
nhãn hiệu Peppa Pig, cạnh tranh không lành mạnh khi gây nhầm lẫn rằng Wolfoo và Peppa Pig là cùng một chủ sở hữu tạo ra.
Sau đó, Tòa án Nga ra quyết định chấm dứt vụ việc, tuyên bố rằng EO không được phép khiếu nại, khiếu kiện rằng Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig. Tuy nhiên, Tòa án Anh tiếp tục gia hạn việc xem xét yêu cầu khiếu nại thẩm quyền Sconnect đưa ra. Dự kiến phiên điều trần tiếp theo diễn ra vào tháng 11 tới.
Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, những sai phạm của EO từ tháng 11/2021 đến nay gồm việc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm sử dụng nhãn hiệu Wolfoo, và mạo danh chủ sở hữu Wolfoo. Những vi phạm này của EO đã gây thiệt hại trực tiếp, hữu hình cho Sconnect tính đến ngày 12/9/2022 là hơn 1 triệu USD.
Ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group- một DN kinh doanh khá thành công trên nền tảng Internet, vận hành hơn 500 kênh Youtube cùng các hệ thống nền tảng và mạng xã hội khác chia sẻ: Trong thời gian kinh doanh online, DN gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề bản quyền SHTT.
"Khi Ant Group sản xuất một bài hát nào đó, sau đó một đơn vị khác lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát. Ant Group chưa có giấy tờ pháp lý trên nền tảng Youtube nên mất vấn đề bản quyền và không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho Youtube nhưng Youtube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề", ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group nêu.
Là DN phát triển các giải pháp trong lĩnh vực
phát thanh truyền hình, kinh doanh cả trong và ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Hân- CEO Thủ đô MultiMedia chia sẻ: Thủ đô MultiMedia là đơn vị đầu tiên đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Việt Nam. Đây là vấn đề khá mới tại Việt Nam, nhưng với sự phát triển của công nghệ số, sản phẩm có thể bán được trên toàn cầu.
"Tuy nhiên, khi bán sản phẩm ra toàn cầu, chúng tôi gặp thách thức lớn nhất, đó là các đối thủ sẽ thường cạnh tranh về giá, tìm mọi cách dìm giá xuống. Sau đó, khi Thủ đô MultiMedia đưa ra giá thấp hơn sẽ ngay lập tức bị khiếu nại với cáo buộc vi phạm cạnh tranh về giá. Vướng mắc lớn nhất của DN là khi triển khai ra nước ngoài, chúng tôi chưa đến tầm bị cạnh tranh về SHTT, nhưng lại bị cạnh tranh về giá, dù nâng hoặc giảm giá đều gặp khó", ông Nguyễn Ngọc Hân cho hay.
Mong muốn Nhà nước can thiệp
Trước những khó khăn, vướng mắc, ông Trịnh Quốc Khánh- Giám đốc đào tạo Ant Group kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ vấn đề giấy phép pháp lý để giải quyết được những vấn đề phát sinh trên môi trường số.
Trong khi đó, từ những thiệt hại lớn từ vụ tranh chấp với EO, ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO & Nhà sáng lập Sconnect Vietnam đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước lên tiếng can thiệp đề nghị Google và Youtube dừng tiếp nhận các yêu cầu cảnh cáo vi phạm bản quyền vô căn cứ của EO, khôi phục các video phim hoạt hình và quyền kinh doanh, đăng tải video của Sconnect trên Youtube. Đề nghị các cơ quan liên quan yêu cầu EO chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng internet và có các biện pháp xử lý vi phạm thích đáng.
Hoàn thiện sớm nhất quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia khác để đảm bảo giá trị pháp lý của các quy định pháp luật Việt Nam có giá trị toàn cầu.
DN cần thay đổi nhận thức
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học & Công nghệ) khẳng định: Cả một thời gian dài, vấn đề về bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt từ phía DN. Điều này thể hiện rất rõ qua việc các hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức để hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của DN, nhưng DN không đến hoặc đến nhưng không tham gia gì, hoặc cử nhân viên tập sự đến dự. Sự quan tâm, nhận thức của DN đối với vấn đề này cần phải thay đổi một cách căn bản, nếu không thay đổi thì các vụ việc không thể giải quyết được.
"Quyền SHTT là vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu, nếu không có sự trợ giúp chuyên môn nghiệp vụ một cách đúng đắn thì khả năng giải quyết vụ việc là không thể có. Nếu không có cách tiếp cận chuyên nghiệp và rõ ràng thì rất khó thành công. Chúng tôi đang nỗ lực làm hết sức để hỗ trợ DN nhưng việc hưởng ứng của DN thực sự là vấn đề đáng lưu tâm", ông Trần Lê Hồng nói.
Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT.
Với tài sản trí tuệ, DN phải tìm mọi cách để bảo vệ, phải có sự đầu tư nguồn lực cho việc bảo đảm cơ sở pháp lý, hạn chế rủi ro, phát sinh ngay từ đầu liên quan đến bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT.
"Chúng tôi nỗ lực nhưng việc doanh nghiệp không hưởng ứng, không phối hợp hiệu quả khiến chúng tôi cảm thấy có phần đơn độc trên mặt trận thúc đẩy bảo vệ quyền SHTT. Chúng tôi mong muốn thời gian tới các DN sẽ thay đổi nhận thức này để cùng phối hợp và xử lý vấn đề hiệu quả", Phó Cục trưởng Cục SHTT đề xuất.
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý tranh chấp về bản quyền, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh nội dung số trên Youtube đã đề cập đến trường hợp Youtube đánh gậy bản quyền sai, người sở hữu thực sự sản phẩm đó lại bị 1 đơn vị khác tranh chấp và báo cáo ngược lại là đây là sản phẩm của họ.
"Những trường hợp này chúng tôi gặp rất nhiều. Cần phải hiểu rằng khi sản xuất nội dung, sản phẩm nào đó đưa lên Youtube hay mạng xã hội nói chung, khi đã có tên tuổi thì cần bảo vệ bản quyền cho "đứa con" của mình. Theo đó, ngay từ lúc có ý tưởng cũng cần phải đăng ký ngay tác quyền, có thể tìm đến các đơn vị có thể đăng ký bản quyền và SHTT ở cấp độ quốc tế. Khi bị một đơn vị nào đó đánh gậy bản quyền trên Youtube, DN có thể đưa ra bằng chứng. Youtube chỉ từ chối khi bằng chứng DN đưa ra không đủ xác thực", đại diện DN nêu.
Với vi phạm bản quyền về sản phẩm, nếu DN có đầy đủ giấy tờ chứng minh thì sẽ được xử lý ngay. Nếu Youtube nhận được "trát" của tòa án quốc tế hoặc địa phương, Youtube sẽ gỡ để hai bên tự xử lý với nhau, bởi vì họ là bên đơn vị thứ ba, không tham gia vào bất kỳ vụ tranh chấp nào giữa hai đơn vị.