Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu mới đây đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời thảo luận một số nội dung quan trọng như: các quy định pháp luật liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan; thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thuận lợi, nhanh chóng, hợp lý, rõ ràng; bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá dự án đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ; việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung này đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm sâu sắc, thuyết phục hơn nữa sự cần thiết và thể hiện rõ trong tờ trình.
Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng đề nghị rà soát các bất cập trong thực tế để sửa đổi, nhất là trong bối cảnh đặt những nền tảng khoa học pháp lý ban đầu. Đồng thời cân nhắc thêm các chính sách để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời hơn các chủ trương của Đảng, nhất là các chủ trương mới được đề cập trong Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát thật kỹ các chính sách, phải đặt trong mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành, để luật này không bị mâu thuẫn với các bộ luật khác.
Về tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp điều kiện đảm bảo chính sách, Thứ trưởng Hiếu yêu cầu cần phải làm chi tiết hơn nữa Báo cáo đánh giá tác động, thể hiện rõ các nội dung hay yêu cầu tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34, đặc biệt trong việc đánh giá chi phí, lợi ích, việc sử dụng phương pháp định lượng trong Báo cáo đánh giá tác động vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu phải nghiên cứu sâu và tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, các cơ quan có liên quan.
Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), thời gian qua nhất là sau khi Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) được ban hành năm 2005, thì nhận thức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền SHTT trong ngành văn hóa và du lịch vẫn còn yếu kém, bất cập chưa thể được khỏa lấp. Tình trạng vi phạm các quyền SHTT rất tràn lan, phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát, chủ yếu tập trung nhiều vào các nội dung quyền tác giả trong sách báo, phim ảnh, bản quyền phần mềm máy tính,…
Được biết, Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.
Qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật SHTT còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật SHTT cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc ký kết.
Chia sẻ về điều này, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, PGS-TS. Mai Hà chi biết: "Ở tất cả các nước với nhiều trình độ phát triển khác nhau, tài sản trí tuệ đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội. Quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ sẽ tác động mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc hình thành nên những xã hội thông minh đang có chiều hướng lan rộng ngày càng mạnh mẽ và mang tính quốc tế, không loại trừ bất kỳ quốc gia nào. Lãnh đạo hầu hết các quốc gia đều quan tâm đến việc thu hút sử dụng người tài và tài sản trí tuệ để tạo thế cạnh tranh và phát triển để khẳng định chỗ đứng của các quốc gia trong một thị trường toàn cầu đa dạng và năng động. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Trước hết phải nhận thấy rằng, trong những mặt hạn chế việc quản lý tài sản trí tuệ Việt Nam, luôn có những điểm yếu rất cơ bản, mà nếu không khắc phục được, thì mục tiêu của mọi cuộc cải cách kinh tế đều coi như bị vứt bỏ".