Thực tế thời gian qua cho thấy, có nhiều doanh nghiệp (DN) bị mất nhãn hiệu tại các thị trường xuất khẩu do lơ là, chủ quan và bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, về uy tín, vị thế trên thương trường. Do đó, để xuất khẩu an toàn và bền vững, DN cần bảo hộ nhãn hiệu thương mại của mình..
Doanh nghiệp còn lơ là, chủ quan
Trao đổi vói phóng viên TBTCO về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần quyết định sự thành – bại của DN. Nhất là đối với các DN xuất khẩu, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc đăng ký nhãn hiệu tại thị trường xuất khẩu sẽ góp phần giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc được bảo hộ về mặt pháp lý và gia tăng giá trị kinh tế cho hàng hóa xuất khẩu.
“Tuy nhiên, có rất nhiều DN Việt chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu, không đăng ký trước nhãn hiệu. Thực tế thời gian qua cho thấy đã có nhiều DN nước ta bị mất nhãn hiệu tại một số thị trường xuất khẩu, gây thiệt hại nặng nề không chỉ về kinh tế mà còn về uy tín, vị trí trên thương trường” - ông Nam nhấn mạnh.
Điển hình trường hợp bị mất nhãn hiệu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, bánh kẹo Bibica... tại một số thị trường xuất khẩu.
Mới đây, đánh giá về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước ta là Mỹ, Bộ Công thương cho biết, số liệu từ Cục sáng chế và bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ có 1.938 thương hiệu được đăng ký với USPTO, trong đó chỉ 1.090 thương hiệu hiện đang trong tình trạng tồn tại.
Trong khi đó, một số nước xếp sau Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ lại có số lượng thương hiệu đăng ký lớn hơn Việt Nam nhiều lần, ví dụ: Đài Loan là 33.820 thương hiệu được đăng ký, Singapore là 10.811; Malaysia là 2690 (số liệu đến tháng 8 năm 2019).
Bàn về nguyên nhân khiến các DN Việt Nam bị mất thương hiệu ở nước ngoài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN nước ta đa số là DN nhỏ và vừa với trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp lý còn nhiều giới hạn nhất định.
Việc bảo hộ thương hiệu chỉ mang tính lãnh thổ, tức là nếu nhãn hiệu chỉ đăng ký ở Việt Nam thì chỉ có thể bảo hộ tại Việt Nam, còn khi muốn bảo hộ ở nước ngoài thì DN bắt buộc phải đăng ký ở nước ngoài. Trong khi đó, pháp luật về việc bảo hộ nhãn hiệu ở mỗi nước mỗi khác nên DN khó có thể nắm bắt và hiểu biết được hết các quy định này.
Bên cạnh đó, xưa nay, DN xuất khẩu của Việt Nam thường chỉ tập trung quan tâm đến việc xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác xuất khẩu, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng nước sở tại, các rào cản thuế quan…mà chưa để tâm chú ý đến các vấn đề về quy định bảo hộ nhãn hiệu.
DN phải biết cách tự bảo vệ mình
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt, DN Việt phải biết cách tự bảo vệ mình. Không chỉ trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về cam kết, quy định, yêu cầu của thị trường mà DN phải chú ý đến vấn đề bảo hộ tài sản vô hình, đăng ký nhãn hiệu tại những thị trường xuất khẩu và cả những thị trường được dự báo có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Bộ Công thương đã có khuyến cáo đối với DN xuất khẩu Việt Nam đang kinh doanh hoặc có ý định kinh doanh tại Mỹ nên đăng ký nhãn hiệu thương mại để bảo vệ thương hiệu của DN mình và tận dụng tối đa các quyền lợi mà việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại mang lại, mặc dù việc đăng ký nhãn hiệu thương mại không phải là một yêu cầu pháp lý tại thị trường này.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công thương, DN nên chủ động theo dõi để phát hiện bất kỳ việc sử dụng trái phép thương hiệu. Nếu phát hiện vi phạm, DN có thể gửi văn bản yêu cầu chấm dứt việc vi phạm hay sử dụng phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế có thể được sử dụng. Đó là các việc liên quan đến hòa giải hoặc dàn xếp và thường rẻ hơn và nhanh hơn so với kiện tụng.
Ngoài ra, DN cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các hiệp hội kinh doanh và các hiệp hội ngành nghề để đại diện cho DN trong bất kỳ tranh chấp liên quan đến việc sử dụng trái phép nhãn hiệu thương mại.