Ngày 25/9/2018, Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 6726/QĐ-SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ và cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu số 295082 cho nhãn hiệu VIETPHAP của Công ty TNHH May mặc – Thời trang VIETPHAP. Song, từ đó đến nay, trên thị trường TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện quá nhiều hàng nhái nhãn hiệu VIETPHAP, làm tổn hại đến việc kinh doanh của Công ty và xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hổ (người đại diện pháp luật), Giám đốc Công ty cho biết: Công ty TNHH May mặc - Thời trang Việt Pháp (gọi tắt là Công ty) có trụ sở tại 148/8 Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy phép thành lập ngày 28/4/2005, với hoạt động chính là thiết kế và may mặc áo thời trang mang nhãn hiệu VIETPHAP.
Gần 15 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty luôn chú trọng vào công tác đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao tay nghề cho người lao động và tích cực nghiên cứu nhu cầu thị trường, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng qua từng thời kỳ. Nhờ đó mà sản phẩm của Công ty đã và đang được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hàng hóa từ nước ngoài. Hơn nữa, doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó bởi hàng giả, nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường. Theo thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), mỗi năm, lực lượng này phát hiện và xử lý trên 100.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong đó, sản phẩm dệt may, thời trang chiếm phần lớn.
Trước thách thức này, đòi hỏi Công ty phải tìm cho mình những bước đi phù hợp gắn kết cả hai nhiệm vụ chính là vừa xây dựng thị trường, vừa xây dựng thương hiệu. Chính vì thế mà Ban lãnh đạo Công ty đã sớm hoàn thiện các thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào ngày 29/12/2014 và ngày 25/9/2018, Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra Quyết định số 67261/QĐ-SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ và cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu số 295082 cho nhãn hiệu VIETPHAP.
Song, liên tục trong hai năm (2018 – 2019), sản phẩm nhái nhãn hiệu VIETPHAP lại xuất hiện nhiều trên thị trường với màu sắc, kích cỡ đúng y như nhãn hiệu Công ty đã đăng ký, chỉ khác nhãn hiệu Công ty đăng ký là VIETPHAP thì hàng nhái là VIETPHAT. Thời gian gần đây, Ban lãnh đạo Công ty đã đi khảo sát tại thị trường TP. Hồ Chí Minh thì có 16 sạp hàng bán hàng vi phạm nhãn hiệu của VIETPHAP theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT và Bảo vệ quyền SHTT và quản lý Nhà nước về SHTT”, của Chính phủ, ban hành ngày 22/9/2006.
Trước tình hình đó, Lãnh đạo Công ty đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh; Chi cục Quản lý thị trường quận 5 và kiến nghị Viện Khoa học SHTT giám định sở hữu công nghiệp. Cùng với đó, Công ty đã gửi cho Viện Khoa học SHTT tài liệu cần giám định gồm tài liệu 1: Ảnh chụp sản phẩm áo có gắn dấu hiệu “VIETPHAT”; tài liệu 2: Bản sao văn bản xác nhận sản phẩm áo có gắn dấu hiệu “VIETPHAT” không phải do Công ty TNHH May mặc – Thời trang VIETPHAP sản xuất và đưa ra thị trường. Ngày 28/9/2018, Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT Nguyễn Hữu Cẩn đã ký kết luận giám định số NH487-18YC/KLGĐ kết luận (Dấu hiệu “VIETPHAT” gắn trên sản phẩm áo như thể hiện tại tài liệu 1 – là YẾU TỐ XÂM PHẠM QUYỀN – Quy định tại Điều 11 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP – đối với nhãn hiệu “VIETPHAP” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 295082 của Công ty TNHH May mặc – Thời trang VIETPHAP.
Việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệpđối với sản phẩm áo của Công ty mới có kết luận giám định của Viện Khoa học SHTT thì ngày 28/5/2019, Ban lãnh đạo Công ty lại phát hiện tiếp một số sạp tại thị trường TP.HCM trưng bày và bán sản phẩm nhái nhãn hiệu VIETPHAT với màu sắc, mẫu mã logo thêu trên áo và thương hiệu không khác biệt so với nhãn hiệu VIETPHAP của Công ty TNHH May mặc – Thời trang VIETPHAP.
Đây thật sự là một cuộc chiến cam go với vấn nạn hàng nhái, hàng giả. Hiện tượng này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi không được sử dụng đúng sản phẩm, nhãn hiệu mà mình ưa thích. Rất mong các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên vào cuộc, xử lý dứt điểm để không xảy ra tình trạng làm giả, nhái sản phẩm, làm ảnh hướng tới uy tín, cũng như thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng