0908.326.779 - 0906.362.707
 

Giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về xử lý xâm phạm nhãn hiệu

23/09/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về xử lý xâm phạm nhãn hiệu
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh hội nhập khu vực và toàn cầu trên tất cả các phương diện kinh tế - xã hội. Do đó, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng để thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển đất nước và trở thành điều kiện tiên quyết trong hội nhập quốc tế.

Đánh giá hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu

Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự - Thạc sĩ Luật kinh tế - Đại học Ngoại thương đã có bài viết đánh giá về hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu.

Theo ông, trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì hành vi xâm phạm nhãn hiệu có lẽ là hành vi phổ biến nhất. Hành vi xâm phạm nhãn hiệu nhằm làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Điều này thực sự ảnh hưởng đến danh tiếng và hình ảnh của chủ sở hữu nhãn hiệu.

xam pham nhan hieu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, bao gồm:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ như sau:

1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng, xét dưới góc độ xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu nói riêng và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệpnói chung các chủ thể có thể thực hiện các biện pháp khuyến cáo; biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định số Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Biện pháp dân sự: yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra phán quyết buộc bên xâm phạm nhãn hiệu phải thực hiện chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi cải chính công khai, thực hiện nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại, buộc tiêu hủy…; Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ; Biện pháp hình sự áp dụng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở công nghiệp theo quy định tại Điều 226 và Điều 192 tội sản xuất, buôn bán hàng giả Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017; trong khi đó chưa có quy định và định nghĩa thế nào là “dịch vụ giả mạo về sở hữu trí tuệ” và cũng chưa có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi “cung cấp, kinh doanh dịch vụ giả mạo về nhãn hiệu”.

Điều 19, Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định như sau:

“1. Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp”

2. Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.

3. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh các tài liệu cần thiết theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

4. Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm đổi tên doanh nghiệp khi nhận được thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm. Kèm theo thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có:

a) Bản sao hợp lệ văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;

b) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp.

5. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 4 Điều này, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

6. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết Điều này”

Và Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT ngày 05 tháng 04 năm 2016 của Bộ KH & CN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ quy định và hướng dẫn xử lý hành vi tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà chưa có quy định, hướng dẫn xử lý tên hộ kinh doanh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Như vậy đến nay Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh để xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu công nghiệp nói chung nhưng câu hỏi đặt ra là liệu trước một thực trạng khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng chiếm 41,17% GDP Việt Nam năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo; chủ thể hộ kinh doanh chiếm số lượng đông đảo thì cần phải hoàn thiện khung pháp lý như thế nào để thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo tính răn đe và công bằng giữa các chủ thể bị xâm phạm nhãn hiệu dịch vụ và nhãn hiệu hàng hóa?

Một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về xử lý xâm phạm nhãn hiệu

xu-ly-kip-thoi-cac-hanh-vi-xam-pham-nhan-hieu-1113

Việc Nam đang ngày càng nỗ lực và cố gắng hoàn thiện các khuân khổ pháp lý liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu nói riêng và đã đạt được những bước tiến đáng kể được xã hội và quốc tế ghi nhận nhưng việc áp dụng và thực thi còn nhiều hạn chế, thậm chí thiếu cơ chế pháp lý để xử lý. Trên cơ sở đánh giá những quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, Luật sư Nguyễn Phó Dũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định, giải pháp hoàn thiện khung pháp lý trong việc xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu nhằm tăng cường hiệu quả trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam như sau:

1. Đề xuât sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu về dịch vụ như sau:

Thứ nhất: bổ sung thêm Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ giải thích từ ngữ.

Bổ sung theo hướng giải thích rõ nhãn hiệu hàng hóa là gì? Nhãn hiệu dịch vụ là gì? Thay vì chỉ giải thích “nhãn hiệu: là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Theo cách hiểu thông thường thì:

Nhãn hiệu hàng hóa: là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa của các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa khác nhau.

Nhãn hiệu dịch vụ: là dấu hiệu phân biệt dịch vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ khác nhau.

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Phó Dũng, việc giải thích từ ngữ rõ ràng sẽ không bị bỏ sót hành vi “dịch vụ giả mạo về sở hữu trí tuệ”. Vì trước đây, chúng ta thường gọi chung nhãn hiệu là “nhãn hiệu hàng hóa” như Bộ luật dân sự năm 2005 vẫn gọi mà không có sự phân biệt nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ dẫn đến khi xây dựng luật sở hữu trí tuệ vẫn có sự chưa rõ ràng giữa các loại nhãn hiệu khác nhau dẫn đến thiếu chế tài xử lý hành vi xâm phạm dịch vụ mang nhãn hiệu xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu trong khi tốc độc phát triển dịch vụ ngày càng gia tăng qua các năm.

Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung điều khoản “dịch vụ giải mạo về sở hữu trí tuệ”

Trong trường hợp Luật sở hữu trí tuệ thống nhất sử dụng “nhãn hiệu” như là một tên gọi chung cho dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau thì trong Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ có thiếu sót chăng khi không quy định về “dịch vụ giả mạo về sở hữu trí tuệ? mà chỉ quy định hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu?

Quay lại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ quy định “hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ”. Với việc quy định chỉ hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ vậy dịch vụ giả mạo về sở hữu trí tuệ, cụ thể là dịch vụ giả mạo về nhãn hiệu thì như thế nào? Thiết nghĩ tỉ trọng lĩnh vực dịch vụ ngày càng gia tăng và chiếm tỷ trọng lớn nên việc quy định đầy đủ về dịch vụ giả mạo về nhãn hiệu sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng để xử lý nghiêm hành vi xâm phạm nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giải mạo về nhãn hiệu.

Ví dụ như quy định “dịch vụ giả mạo về sở hữu trí tuệ”: “dịch vụ giả mạo về nhãn hiệu là dịch vụ có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính dịch vụ đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu”.

2. Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật hình sự liên quan hành vi cung cấp, kinh doanh dịch vụ giả mạo về nhãn hiệu”

Hàng hóa có thể làm giả, thì dịch vụ cũng có thể làm giả. Xét cho cùng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhưng chỉ quy định xử lý hình sự đối với “hàng giả” mà chưa có quy định xử lý hình sự “dịch vụ giả” thì có đảm bảo tính chặt chẽ và không đủ tính răn đi khi hành vi cung cấp dịch vụ giả về nhãn hiệu ngày càng nhiều.

Như vậy, ngoài chế tài hình sự xử lý hành vi xâm phạm quyền sở công nghiệp theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015, nhà làm luật nên nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi cung cấp “dịch vụ giả”.

3. Hoàn thiện khung pháp lý xử lý tên hộ kinh doanh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Gần đây trong một vụ việc xử lý hành vi xâm quyền đối nhãn hiệu đối với hộ kinh doanh sử dụng tên xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Mặc dù hành vi xâm phạm đã rõ ràng nhưng khi yêu cầu thay đổi tên hộ kinh doanh theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT ngày 05 tháng 04 năm 2016 của Bộ KH & CN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để yêu cầu xử lý thì pháp luật chưa có quy định “xử lý tên hộ kinh doanh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho chủ sở hữu khi thực hiện quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, hộ kinh doanh vẫn ngang nhiên sử dụng tên thương mại vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Vì vậy, việc Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ KH & CN cần sớm ban hành Nghị định, thông tư sửa đổi, bổ sung khung pháp lý xử lý tên hộ kinh doanh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là điều vô cùng bức thiết.

Minh Hà