Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa từ một quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đối với các mặt hàng nông sản, CDĐL trở thành công cụ hữu hiệu để bảo hộ các sản phẩm đặc sản, thúc đẩy tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và mở rộng thương mại. Chính vì vậy, đẩy mạnh xây dựng và khai thác hiệu quả CDĐL nông sản là yêu cầu cấp bách với nền nông nghiệp nước ta hiện nay
Bài 1 : Gia tăng giá trị từ chỉ dẫn địa lý
Tính đến tháng 5-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bảo hộ CDĐL cho 63 sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Nhờ có CDĐL, giá trị và giá bán của các sản phẩm đều tăng đáng kể. Đồng thời đây cũng là cơ sở giúp các địa phương hình thành các tổ chức tập thể như hội, hiệp hội, đại diện doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm tham gia tích cực vào sản xuất nông sản.
Hiệu quả từ những sản phẩm “biết mặt đặt tên”
Năm 2014, cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) được cấp CDĐL, là dấu mốc quan trọng và là bước ngoặt mang tính chiến lược để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu. Từ chỗ chỉ là sản phẩm nông sản địa phương ít người biết, đến nay cam Cao Phong đã có tiếng ở nhiều vùng, miền. Thị trường cam đang được mở rộng tại miền bắc và vươn tới các tỉnh phía nam. Đáng chú ý, kênh tiêu thụ sản phẩm cam ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp với những doanh nghiệp lớn tham gia ký hợp đồng tiêu thụ. Từ khi được cấp CDĐL, giá cam Cao Phong đã tăng từ 15.000 đồng/kg lên 25 đến 30.000 đồng/kg. CDĐL mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng cam cũng kéo theo diện tích trồng cam ngày càng tăng thêm. Anh Bùi Cảnh Hưng (huyện Cao Phong) chia sẻ: “Từ khi cam được cấp CDĐL, người trồng cam được hưởng lợi rất nhiều. Hiện nay, gia đình tôi trồng 5 ha cam, lợi nhuận khoảng hai tỷ đồng/năm. Cam có CDĐL, sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cứ đến mùa cam chín, thương lái, doanh nghiệp tấp nập đến mua với mức giá cao”.
Từ năm 2011, nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng quốc gia bảo hộ CDĐL. Đây là một trong những sản phẩm có lịch sử lâu đời, là niềm tự hào của người dân Phú Quốc. Từ khi được cấp CDĐL, nước mắm Phú Quốc đã nhanh chóng vươn ra khắp dải đất Việt Nam và nhiều thị trường thế giới. CDĐL không chỉ mang đến giá bán ổn định, thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc mà còn là tiền đề để sản phẩm này được công nhận trên phạm vi quốc tế. Năm 2012, nước mắm Phú Quốc được Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc Liên hiệp châu Âu. Có thể khẳng định, đây là một trong ít những sản phẩm phát huy tốt nhất và mạnh nhất “hiệu ứng” của CDĐL, trở thành thương hiệu sắc nét của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Mới đây, hành tím Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã được đăng ký CDĐL. Vĩnh Châu vốn được biết đến là “thủ phủ” của hành tím cả nước. Tuy nhiên, liên tiếp những năm qua, sản phẩm này long đong trên thị trường với giá bán trồi sụt thất thường. Năm 2015, một cuộc “giải cứu” hành tím đã diễn ra khi Vĩnh Châu có khoảng hơn 50.000 tấn hành thương phẩm tồn đọng tại các doanh nghiệp, cơ sở thu mua và các hộ dân. Số lượng này chiếm đến hơn một nửa sản lượng của cả niên vụ. Hành tím ế ẩm, chất thành đống tại các hộ gia đình, giá thu mua ở mức quá thấp do các cơ sở thu mua không tìm được đầu ra, khiến người trồng hành thua lỗ nặng. Chính vì vậy, CDĐL đang trở thành niềm hy vọng cho hành tím Vĩnh Châu ổn định sản xuất và giá cả. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước chia sẻ: “Hành tím Vĩnh Châu được cấp CDĐL chắc chắn sẽ đưa tên tuổi của sản phẩm này đến được nhiều hơn với người tiêu dùng trên cả nước, từ đó có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán. Khi đã có tên tuổi thì không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà còn có cơ hội xuất khẩu sang một số nước lân cận. Đây cũng là cơ sở quan trọng để địa phương quy hoạch lại vùng trồng cũng như áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành những vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP”.
Đa dạng hóa sản phẩm có CDĐL
CDĐL đang mở ra thêm nhiều cơ hội cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, số sản phẩm có CDĐL chưa nhiều, mới chỉ có 63 CDĐL, bao gồm 28 CDĐL là các sản phẩm hoa quả, 17 CDĐL bảo hộ các sản phẩm từ cây công nghiệp, lâm nghiệp, còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo...
Trong khi đó, cả nước hiện có hơn 1.000 sản phẩm đặc sản, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp. Ngoài ra, khu vực nông thôn còn có gần 5.400 làng nghề và làng có nghề sản xuất ra các loại sản phẩm truyền thống khác nhau. Đây là tiềm năng lớn cho việc khai thác CDĐL, mang lại giá trị cao hơn cho hàng hóa. Đơn cử sản phẩm xoài Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã có tiếng từ lâu đời nhưng cho đến thời điểm này mới chỉ có chứng nhận nhãn hiệu tập thể chứ chưa được cấp CDĐL. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, Huỳnh Thanh Sơn cho biết: Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ thủ tục đăng ký CDĐL. Những năm gần đây, nhiều lô xoài của Cao Lãnh đã được xuất khẩu ra nước ngoài cho nên việc chậm đăng ký CDĐL cũng ít nhiều hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Theo dự kiến, cuối năm 2019 sẽ hoàn thành việc đăng ký CDĐL, hy vọng mở ra nhiều cánh cửa mới cho xuất khẩu sản phẩm xoài chất lượng cao.
Cũng như xoài Cao Lãnh, cam sành Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) được biết đến rộng rãi nhưng hiện vẫn chưa có CDĐL. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên Đàm Ngọc Hưng chia sẻ: Hiện toàn huyện có khoảng 7.000 ha cam, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một phần bán ra thị trường phía bắc với giá thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Nếu có CDĐL chắc chắn sẽ góp phần quan trọng mở rộng thị trường cho cam sành Hàm Yên. Khi đó cũng tạo tiền đề cho việc quy hoạch lại vùng trồng trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng toàn diện.
Bên cạnh thực tế sản phẩm nông sản có CDĐL còn ít, thì còn xảy ra hiện tượng những sản phẩm đã có CDĐL nhưng khai thác không hiệu quả, gây lãng phí lớn về xây dựng thương hiệu cũng như giá trị kinh tế. Theo Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển - CIRAD (Pháp), hiện nước ta có tới 50% số lượng CDĐL chưa được quản lý, khai thác thật sự hiệu quả. Cụ thể, CDĐL quế Hưng Yên hay trà Mộc Châu được giao cho các hiệp hội quản lý nhưng việc tuyên truyền, khai thác chưa tập trung. Thậm chí nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ CDĐL cũng không biết mình có quyền được sử dụng CDĐL cho sản phẩm, khiến hình ảnh sản phẩm ít được quảng bá và khó mở rộng thị trường tiêu thụ. Cá biệt, có những trường hợp chính quyền tỉnh thực hiện đăng ký CDĐL xong, giao cho địa phương quản lý, khai thác nhưng địa phương cũng không có chiến lược sử dụng hiệu quả, dẫn đến tình trạng đăng ký xong để đó khiến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không có bất kỳ sự thay đổi tích cực nào.
Có thể thấy, nguồn lợi từ CDĐL mang lại cho sản xuất và xuất khẩu nông sản rất lớn. Thực trạng nước ta còn nhiều nông sản có giá trị cao cả về mặt xuất xứ và chất lượng nhưng vẫn chưa được quan tâm xây dựng CDĐL đang tạo ra sự lãng phí đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, cần sớm có sự thay đổi và điều chỉnh hiệu quả...
CDĐL không chỉ mang đến ý nghĩa về xuất xứ hàng hóa, mà quan trọng hơn, nó mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất; giúp doanh nghiệp và địa phương chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; quảng bá sản phẩm địa phương, thu hút khách du lịch; giúp bảo vệ, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống. Một số địa phương đã triển khai công tác quản lý và sử dụng CDĐL rất tốt có thể kể đến là Kiên Giang (nước mắm Phú Quốc), Hòa Bình (cam Cao Phong), Hà Giang (mật ong bạc hà Đồng Văn)... Về giá trị, sau khi được bảo hộ CDĐL, cam Cao Phong có giá bán tăng gấp hai lần, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100 đến 130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10 đến 15%, đáng chú ý, bưởi Luận Văn giá bán tăng lên 3,5 lần so với trước khi được bảo hộ… |