Hiện nay, các sản phẩm “Made in Vietnam” đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau những sự việc không minh bạch về xuất xứ hàng hóa, việc hoàn thiện quy định pháp lý về ghi nhãn "Made in Vietnam" đang là yêu cầu cấp bách.
Hàng lậu đội lốt “Made in Vietnam”
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam có gắn mác "Made in Vietnam". Các mặt hàng bị bắt giữ đa chủng loại như: Quần áo, giày dép, túi xách, linh kiện điện tử…
Nhận định về thực trạng này, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng quay lưng với hàng Trung Quốc kém chất lượng, nhiều lô hàng giả xuất xứ Việt Nam đã được các chủ kinh doanh “phù phép” mang nhãn mác “Made in Vietnam”, sau đó đưa sang Việt Nam tiêu thụ.
Điển hình, đầu tháng 7-2019, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn) đã kiểm tra 5 ô tô, phát hiện trên xe nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, gắn mác “Made in Vietnam”. Riêng xe mang biển kiểm soát 29B-003.44, phát hiện chủ hàng cất giấu 372 đôi giày thể thao nam nhãn hiệu Adidas, Nike, Converse có gắn nhãn mác “Made in Vietnam”. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm, tiền xử phạt vi phạm hành chính của 5 xe ô tô nói trên hơn 550 triệu đồng.
Chị Nguyễn Mai Thu (trú tại số 23 phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng) lo ngại: “Hàng giả mạo xuất xứ bây giờ được làm không khác hàng chính hãng, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt được nguồn gốc và giá trị”.
Một thực tế đáng lo ngại khác là tình trạng hàng Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ: Hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam đã nguy hại, nhưng hàng được sản xuất tại Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” nhập về Việt Nam để tiêu thụ, hoặc xuất đi nước thứ 3 còn gây tác hại khôn lường. Trong các điều khoản cam kết của các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do, điều khoản về truy xuất nguồn gốc sản phẩm được đặt lên hàng đầu để được nhận ưu đãi. Nếu phát hiện hàng hóa đó không được sản xuất tại Việt Nam, hoặc nguyên liệu “đầu vào” không được nhập từ nước thứ 3 (cho phép), thì các nước đối tác có quyền đặt các hàng rào kỹ thuật, hoặc cấm nhập...
Chia sẻ về các quy tắc dán nhãn “made in…” tại một số quốc gia, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay: Trên thế giới, khái niệm “made in…” gắn kết chặt chẽ với quy tắc xuất xứ của sản phẩm, nhưng được áp dụng khá linh hoạt. Chẳng hạn, thị trường Mỹ quy định tất cả hàng hóa (hoặc bao bì đóng gói hàng hóa) có xuất xứ ngoài Mỹ (trừ một số trường hợp hàng hóa không có khả năng được đánh dấu như trái cây có thể áp dụng đánh dấu trên bao bì đóng gói) phải ghi rõ nguồn gốc...
Lấp lỗ hổng pháp lý
Để người dân ưu tiên dùng hàng Việt, trước hết họ phải yên tâm khi nhìn thấy dòng chữ "Made in Vietnam", xem đây là một giá trị bảo đảm của sản phẩm. Khi doanh nghiệp sử dụng những dòng chữ "Made in Vietnam" là để quảng bá cho sản phẩm, đồng thời đã phải thỏa mãn cả hai yêu cầu: Khẳng định chất lượng hàng hóa và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Như vậy, vấn đề ở đây là cần có chiến lược dài hạn với quy mô rộng để xây dựng, quảng bá chỉ dẫn "Made in Vietnam". Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đã xây dựng dự thảo lần 1 về bộ tiêu chí quy định thế nào là "sản xuất tại Việt Nam" để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa. Việc xây dựng bộ tiêu chí này được đưa ra trước thực tế đã có quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa, nhưng lại thiếu điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, "Made in Vietnam"... để "áp" doanh nghiệp ghi nhãn hàng hóa.
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP (ngày 14-4-2017) của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ. Tuy nhiên, việc cho phép doanh nghiệp "tự nguyện" ghi nhãn hàng hóa trong khi chưa có tiêu chí xác định cụ thể thế nào là hàng Việt, "Made in Vietnam"... đã dẫn đến thực tế có doanh nghiệp ghi nhãn tùy tiện như trường hợp Khaisilk trước đây.
Chia sẻ quan điểm của doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng: Mỗi doanh nghiệp phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối.
Nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận xuất xứ thương mại, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại Trần Thị Thu Hương nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ những lô hàng nhập khẩu linh kiện vào Việt Nam và kiểm soát lô hàng đầu ra của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp đã nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu tới nước thứ 3 để lẩn tránh thuế nhập khẩu, hưởng thuế suất ưu đãi.
Để tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, quản lý thương mại, thị trường trong nước để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; kiểm tra chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ...
Từ thực tế trên có thể thấy, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng, chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng