Không phải đến bây giờ, vấn đề sở hữu trí tuệ khi thực thi các FTA mới được đặt ra. Vài năm trước, một số sản phẩm dệt may của Việt Nam đã bị chặn không cho xuất khẩu sang Mỹ, nguyên nhân không phải vì sản phẩm vi phạm kiểu dáng, mẫu mã, mà do sử dụng công nghệ cắt là phần mềm không có bản quyền
Đây là một trong những dẫn chứng về hậu quả của việc mơ hồ pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp phải được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra tại Hội thảo "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Một số cam kết quan trọng về SHTT và những điều cần lưu ý", do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức ngày 27/8.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với những hiệp định thương mại tự do (FTA), phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa. Đơn cử, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề SHTT.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, hệ thống SHTT mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.
Còn theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong Hiệp định EVFTA cùng với cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp (DN) của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể quyền, nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ SHTT.
Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN hai bên, là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam.
Ngoài ra, Hiệp định EVFTA không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho các nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường EU từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng bày tỏ lo ngại các cam kết về SHTT cũng mang lại những thách thức nhất định cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam: Việc chống xâm phạm quyền SHTT nghiêm minh hơn (hay nói cách khác là chế độ thực thi quyền SHTT hà khắc hơn) có thể khiến DN của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Đặc biệt, cơ hội sẽ biến thành thách thức nếu DN vẫn mơ hồ về pháp luật SHTT. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, VCCI thường nhận được câu trả lời từ cộng đồng DN Việt Nam là việc tăng quyền bảo vệ SHTT không liên quan tới họ vì DN thường đi sử dụng sản phẩm SHTT là chính. Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng, nhiều DN cũng không nắm rõ các quy định pháp luật.
Bà Trang dẫn chứng như trường hợp vài năm trước, một số sản phẩm dệt may của Việt Nam đã bị chặn không cho xuất khẩu sang Mỹ. Lý do không phải vì sản phẩm vi phạm kiểu dáng, mẫu mã mà là sử dụng công nghệ cắt là phần mềm không có bản quyền. Như vậy, chỉ một chút lơ là, chính DN đã đánh mất cơ hội của mình.
|
|
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp
Với Hiệp định EVFTA, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao. Theo bà Trang, điều này sẽ tạo điều kiện cho một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với một số địa phương ở Tây Bắc, kết quả các địa phương này không quan tâm với lý do những mặt hàng đó chưa XK được sang EU. "Một sản phẩm muốn đăng ký chỉ dẫn địa lý phải tốn chi phí không hề nhỏ, giờ được tự động bảo hộ, đáng lẽ ra các địa phương phải vui mừng khôn xiết nhưng họ lại không quan tâm vì không nhìn thấy lợi ích của nó để tận dụng cơ hội XK", bà Trang chia sẻ.
Cùng với đó, xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền và làm nản lỏng nhà đầu tư.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết từ năm 2006- 2016, các tòa án nhân dân đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 168 vụ, trong đó có 158 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 10 vụ tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp. Các tòa án nhân dân cũng đã giải quyết 200/235 vụ tranh chấp kinh doanh thương mại liên quan đến SHTT.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhìn nhận Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, nhưng để khai thác được thị trường rộng lớn này, các DN cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.
Điều đó đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ có như vậy, DN mới có thể đứng vững khi bước ra "biển lớn", tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.
Trong quá trình rà soát cam kết của hệ thống pháp luật Việt Nam về SHTT, bà Trang đánh giá pháp luật về SHTT Việt Nam khá "buồn cười", có trường hợp trong luật không quy định nhưng lại quy định ở trong thông tư nào đó, đi ngược lại nguyên tắc xây dựng pháp luật.
Đặc biệt, việc cơ quan chức năng từ chối đăng ký nhãn hiệu thì phải có văn bản nêu lý do từ chối, song bà Trang cho biết khi đọc một vài trường hợp từ chối, bản thân chuyên gia như bà cũng không hiểu lý do chứ không nói tới DN. Vì vậy, cộng đồng DN rất mong được tuyên truyền, phổ biến về từng vấn đề cụ thể của SHTT.