0908.326.779 - 0906.362.707
 

Hạn chế phát sinh tranh chấp thương hiệu doanh nghiệp: Chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu

01/11/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Hạn chế phát sinh tranh chấp thương hiệu doanh nghiệp: Chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố phát sinh một số vụ việc tranh chấp nhận diện thương hiệu giữa doanh nghiệp. Điển hình là vụ tranh chấp bản quyền nhãn hiệu (logo) giữa E-coffee, một thương hiệu cà phê của Hải Phòng với Tập đoàn cà phê Trung Nguyên

Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với luật gia Vũ Đình Thức, Phó chi hội trưởng Chi hội luật gia Doanh nhân và công chức về nội dung này.

Nhượng quyền đồ uống là thị trường thường xuyên xuất hiện các vụ tranh chấp về nhãn hiệu.

– Trước hết, ông có thể cho biết, các tổ chức, cá nhân làm thế nào để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp?

– Các vấn đề liên quan tới nhãn hiệu doanh nghiệp, thường được gọi là logo doanh nghiệp, chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Luật quy định 2 hình thức đăng ký bảo hộ gồm “đăng ký nhãn hiệu” và “ đăng ký bản quyền tác giả“.

Với hình thức đăng ký nhãn hiệu, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, duy nhất chủ doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu (logo), từ đó, được độc quyền khai thác giá trị thương mại của logo, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu. Tính bảo hộ với hình thức này là tuyệt đối đối với việc khai thác giá trị thương mại của logo. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm quyền của mình. Còn đối với hình thức đăng ký bản quyền tác giả, logo lúc này được coi như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, được thể hiện bằng hình khối, bố cục, màu sắc, đường nét. Tuy nhiên, với hình thức này, việc bảo hộ nhãn hiệu sẽ gặp khó khăn do không có hệ thống dữ liệu để tra cứu.

Trên thực tế, ý thức chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng, chưa nghiêm chỉnh. Nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động nhiều năm nhưng chưa đăng ký bảo hộ bất kỳ một nhãn hiệu nào. Điều này dẫn tới việc xuất hiện ngày càng nhiều các vụ việc tranh chấp bản quyền do nhãn hiệu bị cắt ghép.

– Khi phát sinh các vụ tranh chấp thương hiệu, các tổ chức, cá nhân sẽ giải quyết như thế nào?

– Khoản 3, điều 49, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ quy định tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả có thể được giải quyết theo hình thức tố tụng dân sự hoặc trọng tài. Như vậy, việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên trong từng trường hợp cụ thể.

Việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa trên yếu tố, đơn vị, cá nhân nào đăng ký bảo hộ trước, đơn vị đó sẽ có quyền lợi được bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế, do các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ khiến việc xác định thế nào là giống, trùng lắp về hình ảnh thương hiệu, chưa thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Dẫn tới, nhiều hình ảnh nhãn hiệu bị cắt ghép nhưng chủ sở hữu, dù đã đăng ký nhãn hiệu vẫn không thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

– Vậy, theo ông cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật như thế nào để bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu doanh nghiệp?

– Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả“. Quy định này có lúc, có nơi hiểu nhầm, theo đó, tác giả chỉ có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi hành vi đó gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả, còn nếu không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì người khác có thể thực hiện. Do đó, trên thực tế, vẫn xảy ra tình trạng cắt xén nội dung tác phẩm của người khác thành sản phẩm của chính mình. Luật Sở hữu trí tuệ cần sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng xác định hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, hiện tại ViệtNamtham gia vào hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) của Tổ chức thương mại thế giới. Theo đó, danh mục được bảo hộ được quy định tại hiệp định rất đa dạng từ hình ảnh, kiểu dáng chữ viết, kiểu dáng sản phẩm, quy trình sáng chế… Tuy nhiên, theo Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện chung đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ mới chỉ quy định có dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Từ thực tế này, Luật Sở hữu trí tuệ sớm bổ sung, mở rộng các hạng mục thương hiệu được bảo hộ để có bộ khung pháp lý chuẩn cho hoạt động bảo hộ thương hiệu tại ViệtNam.

Cùng với bổ sung các chính sách, doanh nghiệp nên thay đổi nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu nói riêng, thương hiệu nói chung. Doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh quy định về bảo hộ thương hiệu, chủ động đăng ký bảo hộ các danh mục theo quy định, để bảo đảm quyền lợi khi phát sinh tranh chấp.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Tuấn