0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ở khu vực miền Trung: Kiến nghị nâng cao chuyên môn cho đội ngũ quản lý ở địa phương

29/06/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ở khu vực miền Trung: Kiến nghị nâng cao chuyên môn cho đội ngũ quản lý ở địa phương
Các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã và đang thực hiện khá tốt những nội dung của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, ở các địa phương này, nhân sự chuyên trách về quản lý trong lĩnh vực nói trên vẫn đang còn thiếu và yếu. Do đó, kiến nghị cần được đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng giải quyết các vấn đề liên quan…

Mới đây, Bộ VHTTDL đã phổ biến nội dung về Nghị định số 22/2018/NĐ-CP và tập huấn công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực miền Trung.

Mặc dù các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí không sôi động bằng hai đầu đất nước; nhưng 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung cũng thường xuyên có những chương trình, hoạt động có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, tập trung nhiều ở các địa phương du lịch như TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế…

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hoạt động tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân tại Thừa Thiên Huế đã được quan tâm thực hiện. Sở đã hướng dẫn thực hiện hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cho các chương trình nghệ thuật, kịch bản các lễ hội tại các kỳ Festival Huế (năm 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018). Số lượng các cá nhân sáng tạo văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với các loại hình mỹ thuật, âm nhạc, thơ, đề tài khoa học… ngày càng tăng.

Việc chấp hành và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi khai thác và sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đã được các cá nhân, tổ chức thực hiện; nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim… Theo thống kê tại Huế, bình quân mỗi năm Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu được 200 triệu đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, phòng trà, khách sạn, nhà hàng, quán bar… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã thu được 155 triệu đồng đối với 50 trường hợp.

 

 

 

 

 Các quán bar, phòng trà… tại Huế thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc

Trong khi đó, ông Trần Văn Thôi - Phó phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng) khẳng định: Sở đã có nhiều chương trình phối hợp với các đơn vị truyền thông để tuyên truyền về Luật Sở hữu trí tuệ đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị hướng dẫn thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc trên địa bàn, trong đó tập trung nhóm khách sạn 4, 5 sao… Hướng dẫn một số công ty thực hiện quyền tác giả khi tổ chức các chương trình nghệ thuật tại các kỳ của Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế; chương trình nghệ thuật kỷ niệm Giải phóng Đà Nẵng; hay các chương trình nghệ thuật quy mô khác…

Từ thực tế này, mong muốn đơn vị quản lý ngành thường xuyên phối hợp với Đà Nẵng cũng như các địa phương để hướng dẫn, xử lý; vừa tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Theo đại diện Sở Văn hóa- Thể thao TP. Đà Nẵng, thực trạng sao chép DVD/VCD âm nhạc, phim tràn lan đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Đây không chỉ là tình trạng diễn ra ở TP Đà Nẵng mà còn nhiều địa phương, tỉnh, thành trong cả nước… Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2016 đến nay, Thanh tra ngành văn hóa đã phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ văn hóa.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Bùi Nguyên Hùng cho biết: Sau khi Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1621 gửi đến tất cả 63 tỉnh, thành. Đến nay, đã có hơn 50% các địa phương đã nhận được văn bản và giao Sở VHTT (Sở VHTTDL) phối hợp với các Sở, ngành khác để triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

Ông Hùng cũng cho biết, Cục Bản quyền tác giả vừa làm việc với các ngành liên quan của TP Đà Nẵng và đã thống nhất một số nội dung trong khai thác, sử dụng sản phẩm âm nhạc cũng như thu phí bản quyền trên địa bàn Đà Nẵng.

Một số đại diện đến từ các Sở VHTT tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng… cho rằng, hiện nay đội ngũ quản lý thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan ở các địa phương là cán bộ kiêm nhiệm, ít được đào tạo kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, còn lúng túng trong giải quyết các khiếu nại… Qua đó, kiến nghị Cục Bản quyền tác giả cần tăng cường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về quyền tác giả, quyền liên quan cho các đơn vị văn hóa cơ sở ở các địa phương.

 ​Trong quá trình thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc tại Đà Nẵng đã xảy ra một số bất cập về thu phí bản quyền. Có trường hợp công ty tổ chức sự kiện đã xin cấp phép chương trình biểu diễn từ Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội cùng một số tỉnh khác thì đã được duyệt và đóng phí 20 triệu đồng/lần diễn. Nhưng khi đến Đà Nẵng diễn thì văn phòng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam làm việc và yêu cầu thu 40 triệu đồng. Sự chênh lệch về thu phí bản quyền này đã gây bức xúc cho các doanh nghiệp.

(Ông TRẦN VĂN THÔI, Sở Văn hoá - Thể thao TP Đà Nẵng)

SƠN THÙY