Buổi đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch về thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan vừa diễn ra đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Chương trình do Vụ Pháp chế và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức tại TP Huế.
Đồng hành chứ không ép buộc doanh nghiệp
Gần 100 đại diện đến từ các Sở VHTT khu vực phía Nam và các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch đã cùng thảo luận, chia sẻ và đóng góp nhiều nội dung trong công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Thời gian qua, số lượng các cá nhân và tổ chức ở Huế đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về các tác phẩm văn học nghệ thuật tăng lên đáng kể. Đồng thời, việc tuyên truyền và triển khai thu phí tác quyền cũng được thực hiện sâu rộng. Những năm trước đó đạt khoảng 100 triệu/năm, thì nay con số đó đã tăng lên 200 triệu/năm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế bởi không ít cá nhân, tổ chức là chủ thể sáng tạo vẫn chưa chủ động trong việc bảo vệ quyền sở hữu của mình mà còn trông chờ vào cơ quan quản lý nhà nước.
Lần đầu tiên tổ chức đối thoại tại Huế, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế bày tỏ: Chúng tôi mong muốn có sự đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, của doanh nghiệp để việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ tốt hơn. Chúng tôi không thể ép buộc doanh nghiệp, nhưng cần tạo sự đồng hành giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. “Năm 2017, đã có một loạt doanh nghiệp kinh doanh khách sạn phản ứng dữ dội khi có yêu cầu trả tiền nghe nhạc ở các phòng khách sạn. Từ đó, đặt ra vấn đề là phải phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan để các doanh nghiệp, các công dân được biết; đồng thời tăng cường năng lực cho cơ quan tổ chức và người thực hiện công tác giải quyết pháp chế ở các đơn vị, nhất là các đơn vị thuộc quản lý của Bộ VHTTDL trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch, thể thao…”, ông Thái nhấn mạnh.
Chưa có bên thứ 3 được cấp phép khai thác âm nhạc quốc tế tại Việt Nam
Liên quan đến vấn đề khai thác âm nhạc tại các khách sạn hiện nay, anh Nguyễn Phan Nam - Khách sạn 5 sao Kinh thành (TP Huế) thắc mắc: Nếu khách sạn sử dụng âm nhạc được khai thác từ một công ty thứ 3 thì có vi phạm bản quyền không? Ngoài trả phí cho bên thứ 3 đó, còn phải trả phí cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không? Đây cũng là nội dung mà nhiều đơn vị kinh doanh khách sạn khác tại Huế gửi đến cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan về quyền tác giả, quyền liên quan.
Về đăng ký nhãn hiệu, ông Kiên - chủ một doanh nghiệp nhỏ về du lịch tại TP Huế cho biết: Nhãn hiệu của công ty anh bị một số đơn vị khác lấy lại và “chỉnh sửa” một số nội dung nhỏ rồi sử dụng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp nhỏ, xử lý vấn đề này khó khăn về tiền bạc và thời gian. Ông Kiên cũng thắc mắc, nếu đăng ký quyền sở hữu thì nhãn hiệu của công ty có giá trị quốc tế luôn hay không?
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh: Về đăng ký nhãn hiệu, khi đăng ký ở Việt Nam thì chỉ bảo hộ ở trong lãnh thổ Việt Nam; nếu muốn bảo hộ quốc tế thì phải đăng ký quốc tế. Còn vấn đề xử lý các đơn vị vi phạm, bản thân chủ thể sáng tạo phải có đủ các giấy tờ chứng minh được nhãn hiệu đó thuộc quyền sở hữu của mình và đồng thời có đơn gửi đến các cơ quan chức năng.
“Chúng tôi cam kết sẵn sàng hỗ trợ và tiếp nhận các hồ sơ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Việc đăng ký này không phải là bắt buộc…”, ông Hùng nói.
VTV là cơ quan bị vi phạm bản quyền nhiều nhất hiện nay tại Việt Nam, từ vi phạm tiếp sóng đến các hình thức cắt ghép clip trên mạng xã hội Facebook, sử dụng logo với mục đích không tốt. Trong đó, một số bộ phim được chiếu vào “giờ vàng” đã bị ăn cắp trắng trợn như: Công ty Phú Thái và Công ty Bắc Á tự ý khai thác phim Bí thư Tỉnh ủy và Chạy án để bán lại cho các kênh khác. Cũng trong tháng đầu tiên phát sóng 2 phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng cũng đã có hơn 400 trang Facebook và Youtube vi phạm bản quyền…
(Ông Nguyễn Thanh Vân, Đài Truyền hình VN)
|