0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thực phẩm sạch và bẩn

06/12/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Thực phẩm sạch và bẩn
Đã đến lúc chống thực phẩm bẩn không phải nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội...
Từ lâu, trong đời sống xã hội xuất hiện một quan niệm cho rằng, thực phẩm ở quê "sạch hơn" thực phẩm ở thành phố. Sạch ở đây theo nghĩa là những loại thực phẩm ấy không có chất phụ gia, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chăm sóc, chế biến. Sạch nghĩa là an toàn thực phẩm.
 
Vậy, tại sao trong suy nghĩ của không ít người lại có quan niệm đó là bởi: Những thực phẩm ở quê người sử dụng biết được rõ nguồn gốc của từng loại thực phẩm; quy trình chăm sóc, nuôi trồng theo hướng tự nhiên, truyền thống.
 
Thực phẩm sạch và bẩn
 
Dẫu sao, quan niệm so sánh nói trên chưa hẳn đã chính xác, nhưng cũng gợi mở không ít vấn đề cần quan tâm cả trong công tác truyền thông và quản lý quy trình chăn nuôi, chăm sóc, bảo quản thực phẩm.
 
Về mặt truyền thông, hằng ngày, người dân tiếp nhận không ít thông tin về việc sử dụng chất cấm, chất bảo quản trong nuôi, trồng nông sản, sản xuất thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe tạo nên tâm lý lo ngại. Đặc biệt, tại các thành phố nơi tập trung dân số đông, lượng thực phẩm tiêu thụ hằng ngày lớn, người tiêu dùng lại càng loay hoay tìm cách nhận biết các sản phẩm sạch, chất lượng.
 
Vì vậy, để người dân tin tưởng, yên tâm tiêu dùng thực phẩm, rất cần có sự quản lý chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, chăm sóc đến các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm. Không khó để thấy các mặt hàng nông sản xuất khẩu thì yếu tố chất lượng, an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu vì yêu cầu cao và sự kiểm tra gắt gao của các nước đối với quá trình sản xuất, nuôi trồng. Trong khi việc xem xét xử lý những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm ở nước ta còn nhiều hạn chế và chưa đủ sức răn đe.
 
Bởi vậy, cần tăng nặng mức xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh, người sản xuất thực phẩm không an toàn; kiên quyết không cho phép bất kỳ loại thực phẩm nào không bảo đảm an toàn được bán ra thị trường. Chỉ có như vậy mới loại trừ được tư tưởng của người sản xuất, kinh doanh coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; kinh doanh, trục lợi trên mạng sống của con người. 
 
Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá tới người dân các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch. Theo khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế hoặc giấy chứng nhận VietGAP.
 
Ngoài ra, cần chọn những sản phẩm rau, quả có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh. Trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp và nên lựa chọn thực phẩm ở những địa chỉ cung cấp uy tín.
 
Việc sử dụng QR Code để truy xuất trong những năm gần đây cũng là giải pháp giúp người dân biết được thực phẩm đến từ đâu. Vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng thực phẩm sạch được hình thành để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
 
Đến nay, Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi nông sản an toàn của thành phố (chiếm 8,8% tổng số chuỗi của cả nước) với 70 điểm bán hàng. Tại TP Hồ Chí Minh, Bộ phận thường trực của Ban quản lý Đề án chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 397 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi cung cấp rau, củ quả, thịt...
 
Thực phẩm an toàn đóng góp rất quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc tiêu dùng thực phẩm không an toàn không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khỏe. Đã đến lúc chống thực phẩm bẩn không phải nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
NGUYỄN VŨ