0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cải cách thủ tục kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm nhập khẩu: Tiếp tục đòi hỏi cấp bách

24/11/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Ngày 22/11/2021, Tổng cục Hải quan phát đi thông tin, khuyến nghị rằng, từ vụ “tắc” lô hàng hơn 22.000 hộp sữa nhập khẩu do kiều bào viện trợ ủng hộ trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cho thấy, cải cách triệt để, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu vẫn đang tiếp tục đặt ra những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn cần thay đổi.

Qui trình vòng vo

Liên quan đến vụ “tắc” lô hàng sữa nhập khẩu loại hình viện trợ nêu trên (đơn vị tiếp nhận lô hàng là Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh), có thể tóm lược như sau: Kể từ khi lô hàng cập cảng Cát Lái, cho đến khi được giải quyết thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa, các cơ quan quản lý thực hiện thủ tục hỏi nhau, trả lời, hướng dẫn và thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành mất tới 25 ngày.

Cụ thể: Lô hàng nhập khẩu cập cảng Cát Lái ngày 21/10/2021, trước đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã hướng dẫn Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh về thủ tục kiểm dịch động vật, đăng ký công bố sản phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) và các cơ quan cần liên hệ để giải quyết theo thẩm quyền. Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh, đã gửi công văn tới Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục ATTP (Bộ Y tế), để được xem xét miễn kiểm tra chuyên ngành. Đến ngày 1/11/2021, Cục ATTP có Công văn số 2055, cho biết, các lô hàng nhập khẩu sẽ được miễn kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Hải quan vì liên quan đến định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, Cục ATTP cho rằng, đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi nhập khẩu với mục đích phục vụ khẩn cấp, áp dụng theo khoản 9, điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ/ Thủ tướng Chính phủ và sẽ được miễn kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu. Để được xem xét giải quyết, trước khi tiếp nhận viện trợ, Cục ATTP cho rằng, đơn vị tiếp nhận nên gửi công văn đề nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi làm các thủ tục nhập khẩu.

Ngày 9/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về xử lý thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành lô hàng này, phản ánh, trong khi Cục Thú y sau 2 ngày trả lời đồng ý, thì Cục ATTP lại đề nghị hỏi ý kiến Thủ tướng Chính phủ... Khi hỏi Chính phủ, ý kiến sẽ lại quay trở lại Cục ATTP để trả lời. Cách làm của các cơ quan quản lý thì đúng quy trình, nhưng không đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính và theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Cải cách thủ tục kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm nhập khẩu: Tiếp tục đòi hỏi cấp bách
Kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu. Ảnh minh họa

Chiều ngày 9/11/2021, Tổng cục Hải quan có Công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, cho biết, theo điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về thi hành một số điều của Luật ATTP thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra ATTP, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trao đổi, báo cáo với UBND thành phố và Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện hướng dẫn tại Công văn 2055 của Cục ATTP. Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra ATTP đối với lô hàng, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có thể cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan theo quy định.

Đến ngày 12/11/2021, Cục ATTP có công văn hướng dẫn Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu kiểm tra lô hàng. Ngày 14/11/2021, Cục ATTP thông báo kết quả kiểm tra lô hàng nêu trên đạt theo quy định hiện hành, lô hàng đã được giải quyết thủ tục hải quan và thông quan ngày 15/11/2021.

Cải cách cấp bách

Theo Tổng cục Hải quan, Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP. Lô hàng sữa hộp viện trợ này không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra, trừ trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng cho phép nhập khẩu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp. Theo quy định tại các Điều 6, 7, 8 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thì mặt hàng sữa dành cho trẻ em đến 36 tháng tuổi phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm. Người nhập khẩu phải thực hiện đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban Nnhân dân cấp tỉnh chỉ định, nộp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do cơ quan này cấp để được miễn kiểm tra ATTP và thông quan.

Vấn đề là, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm như trên theo qui định hiên hành phải được thực hiện cho từng doanh nghiệp, không áp dụng đối với hàng hóa cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì của các doanh nghiệp khác đã nhập khẩu từ trước đó, điều này đã làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa đối với các lô hàng tương tự nhập khẩu.

Thực hiện Đề án cải cách toàn diện kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra ATTP nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra ATTP nhập khẩu.

Tại dự thảo Nghị định nêu trên, các mặt hàng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, đặc biệt là sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm và cấp mã số đăng ký một lần bởi nhà nhập khẩu đầu tiên; đối với mặt hàng cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì với hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm..., thì các nhà nhập khẩu tiếp theo không cần phải thực hiện lại thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, mà được sử dụng mã số đăng ký bản công bố sản phẩm để được miễn kiểm tra ATTP. Mã số đăng ký bản công bố sản phẩm được công khai trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, các doanh nghiệp có thể tra cứu và làm thủ tục thông quan.

Dự thảo Nghị định được đánh giá có nhiều nhiều nội dung cải cách, trong đó có việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm (tương tự như lô hàng sữa viện trợ), thế nhưng, đến nay một số bộ quản lý chuyên ngành vẫn còn có những ý kiến chưa nhất trí. Điều này cho thấy, các qui định đưa ra trong quản lý nhà nước, dù là quản lý chặt hay quản lý mở, thì cơ quan xây dựng pháp luật cần phải giải trình cụ thể, có tính thuyết phục. Cơ quan quản lý ngành cần phải xóa bỏ được tư duy cục bộ, lợi ích nhóm (nếu có)... trong quản lý, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, qua đó góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngọc Quỳnh