Trong hôm nay, 28-10, TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm đại trà vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em
UBND TP HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28-10 và phải bảo đảm một số điều kiện.
TP Thủ Đức, quận 7 thí điểm phục vụ có rượu bia
Đó là nội dung công văn khẩn do UBND TP HCM gửi các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chiều 27-10 về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, các cơ sở này được phục vụ khách tại chỗ khi đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố ban hành kèm Quyết định 3677 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM ngày 27-10.
Nhân viên cửa hàng Papaxot (quận 3, TP HCM) lau dọn vào chiều 27-10 để chuẩn bị mở cửa Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trừ hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn lại chỉ hoạt động đến 21 giờ, không quá 50% công suất và không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, UBND TP HCM cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn. Thời gian thí điểm đến ngày 15-11.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã có Quyết định 3677 về điều chỉnh, bổ sung Quyết định 3585 về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí. Đó là cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/; khách hàng phải thực hiện nghiêm 5K; quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao - nhận hàng, người đến liên hệ cơ sở (người làm việc) thực hiện nghiêm 5K; quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Người làm việc tại cơ sở phải tiêm ít nhất một mũi vắc-xin đủ 14 ngày hoặc mắc Covid-19 khỏi bệnh dưới 6 tháng.
Bảo đảm an toàn trong tiêm vắc-xin cho trẻ em
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng, ngày 28-10, thành phố sẽ đồng loạt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Nếu nơi nào chưa đủ điều kiện, hoãn tiêm phải báo cáo lý do. Trước khi tiêm, trẻ phải được ăn uống đầy đủ, chuẩn bị tâm lý để an tâm tiêm chủng. Ngoài ra, các điểm tiêm chủng cần hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe sau tiêm cho trẻ; dặn các cháu khi có biểu hiện như sốt, mệt mỏi, khó chịu… phải báo ngay để được theo dõi kịp thời.
Trước đó, trong ngày 27-10, TP HCM đã triển khai tiêm thí điểm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 16-17 tuổi tại huyện Củ Chi (hơn 1.200 em) và quận 1 (330 em).
Cảm giác hồi hộp là tâm lý chung của hầu hết phụ huynh, học sinh (HS). Em Phạm Trịnh Băng Băng, HS lớp 12 Trường THPT Củ Chi, chia sẻ: "Được tiêm em rất mừng vì thời gian qua học online hơi khó khăn bởi lớp 12 có một số thông tin cần được học trực tiếp với thầy cô sẽ hiệu quả hơn".
Có mặt tại các điểm tiêm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết đến thời điểm này, thành phố đã tiêm được hơn 13 triệu liều vắc-xin Covid-19.
TP HCM là đơn vị được Bộ Y tế cho phép thí điểm đầu tiên về tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, trước khi cả nước triển khai đồng loạt vào đầu tháng 11 sắp tới. Thành phố sẽ tiêm cho tất cả trẻ trong độ tuổi với nguyên tắc là khẩn trương nhưng không vội, giúp phụ huynh, học sinh an tâm. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ luôn được thành phố hết sức cân nhắc vì sự an toàn của HS là trên hết.
Chưa ghi nhận biến thể mới nguy hiểm hơn Delta
Bộ Y tế cho biết ngày 27-10, cả nước ghi nhận 4.411 ca mắc Covid-19 tại 47 tỉnh, thành, trong đó có 2.052 ca ngoài cộng đồng.
Cùng ngày, Bộ Y tế chỉ đạo địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành có số ca mắc cao; tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19.
Về việc nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, có tên Delta Plus, hay còn gọi là AY.4.2, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) cho biết hiện Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng mới này.
N.Dung