0908.326.779 - 0906.362.707
 

TP.HCM bình thường mới: Nhiều hàng quán mong được bán tại chỗ

12/10/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
TP.HCM bình thường mới: Nhiều hàng quán mong được bán tại chỗ
Sau thời gian được bán mang về, các chủ hàng quán ở TP.HCM mong muốn được bán phục vụ khách tại chỗ. Hiện bán mang về lượng khách còn rất ít...
Sau thời gian được bán mang về, các chủ hàng quán ở TP.HCM mong muốn được bán phục vụ khách tại chỗ. Hiện bán mang về lượng khách còn rất ít...
 
Trông ngóng từng ngày
 
Tại một quán cơm trên đường Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, chị Nguyễn Thị Hồng Dung (43 tuổi, chủ quán cơm) đang chốt đơn hàng đặt cơm của khách qua điện thoại. Chị Dung cho biết, chị bắt đầu mở bán trở lại sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội vào 1.10. Do không rành về công nghệ, chị Dung chỉ bán cho các khách quen gọi đặt qua điện thoại.
 
Trước dịch Covid-19, chị Dung bán một ngày 300 phần cơm. Đến khi mở bán lại được khoảng 40 phần cơm, cầm chừng để bù vào đóng tiền mặt bằng mỗi tháng 35 triệu đồng.
 
“Một số khách như tài xế xe ôm, nhân viên giao hàng, buổi trưa ghé quán mua cơm, do bán mang về tôi không để họ ngồi lại quán được. Những người này phải ra tìm chỗ nào có bóng mát thì ngồi ăn. Thấy thì tội, nhưng mình phải tuân theo quy định”, chị Dung nói.
 
"Tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin, còn người phụ việc ở quán cơm được tiêm mũi 1 và đang chờ tiêm mũi 2. Ngày nào tôi cũng ngóng tin tức, cũng đã chuẩn bị sẵn giấy tờ như giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh, chứng nhận đã tiêm vắc xin. Tôi cũng tính toán trước, để sắp xếp bàn ghế đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K. Nếu được bán lại tại chỗ, phục vụ ít khách hơn để đảm bảo khoảng cách, thu nhập chắc sẽ đỡ hơn việc bán mang đi”, chị Dung cho biết.
 
Tại quán bún đậu mắm tôm trên đường Hoa Lan, P.7, Q.Phú Nhuận, anh Quốc Đạt (quản lý quán) cho biết, quán anh đã mở bán lại từ ngày 6.10. Do chỉ bán mang về nên doanh thu chỉ đạt 10 - 15% mỗi tháng so với khi nhận khách tại chỗ.
 
Theo anh Đạt, quán có 1 trệt và 2 lầu, sức chứa tầm 150 khách. Dự tính, nếu cho bán tại chỗ, quán sẽ sắp xếp bàn ghế giãn cách, phục vụ tối đa 20 khách một lượt. Ngoài ra, từ đợt dịch trước, quán đã chuẩn bị các tấm chắn giọt bắn để bố trí ở các bàn ăn. “Giờ nhân viên trong quán đều được tiêm vắc xin 2 mũi, quán cũng đang tính toán phương án đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, chuẩn bị tinh thần đến ngày được bán tại chỗ”, anh Đạt cho biết.
 
Vừa mừng, vừa lo
 
Tại quán hủ tiếu trên đường Phan Xích Long, P.7, Q.Phú Nhuận, ông Ngô Thế Tấn (57 tuổi, chủ cửa hàng) cho biết, ông đã mở quán bán lại từ 2.10 và chỉ bán thông qua các app giao hàng online. Do chỉ bán mang về nên doanh thu cửa hàng bị giảm 60 - 70% so với trước dịch và phải cho nghỉ việc 10 nhân viên.
 
Thông thường, ông Tấn sẽ kê ở quán được 7 bàn, phục vụ được khoảng hơn 20 người. Tuy nhiên, nếu được bán tại chỗ trong tình hình dịch bệnh, phải tuân thủ theo quy định như giãn cách an toàn, tuân thủ 5K, quán của ông chỉ kê được 2 bàn, lượng khách đến quán sẽ ít đi, chỉ tầm khoảng 4 - 5 người.
 
Nếu thành phố cho bán tại chỗ thì mình cũng mừng lắm, nhưng chắc sẽ phải lo nhiều thứ. Vì khi cho bán phục vụ tại chỗ, sẽ kèm theo các quy định để hàng quán tuân thủ theo. Mình sẽ phải sắp xếp, bố trí bàn ghế, đầu tư thêm để tuân thủ theo quy định phòng chống dịch nên có thể phải bỏ ra thêm chi phí”, ông Tấn cho biết.
 
Chị Trần Thị Thúy (30 tuổi, chủ quán bún đậu trên đường Nguyễn Gia Trí, Q.Bình Thạnh) cho biết, quán chị mở bán mang về, tình hình buôn bán chậm, mỗi ngày khoảng 40 phần. Suốt 4 tháng nay, chị Thúy phải lấy tiền tích góp để lo chi trả tiền thuê mặt bằng 65 triệu đồng/ tháng, và lo tiền chi phí sinh hoạt cho 8 nhân viên ở lại quán.
 
Theo chị Thúy, khi bán mang về lượng khách của chị giảm đi nhiều vì khách đa phần là học sinh, sinh viên… thường thích đến quán ăn hơn, vì ăn tại quán đồ ăn nóng, ngon miệng còn đợi giao hàng đến nhà thường sẽ...bớt ngon.
 
Quán của chị Thúy có 1 trệt và 2 lầu, mỗi lầu chứa được tầm 15 khách. Tuy nhiên, nếu được bán tại chỗ trong tình hình này, chị Thúy dự định sẽ kê lại bàn ghế, khoảng cách an toàn và giới hạn số lượng khách vào quán.
 
“Tôi có thể tính toán lại và chỉ bố trí bàn ghế, phục vụ mỗi lượt 20 khách, đảm bảo giãn cách, an toàn. Nhưng tình hình này, thì học sinh, sinh viên chưa đi học lại, còn người dân thì chưa đi làm. Nếu mở bán lại chắc sẽ không được như trước dịch, chỉ là đỡ hơn phần nào so với bán mang về”, chị Thúy chia sẻ.
 
Như Thanh Niên đã thông tin, TP.HCM dự kiến 3 giai đoạn phục hồi kinh tế. Trong đó, ở Giai đoạn 1, dự kiến từ 16.10 - 31.10 có nêu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi (hoạt động 3 tại chỗ).
 
Giai đoạn 2, dự kiến từ 31.10 - 15.1.2022, TP.HCM bổ sung thêm một số lĩnh vực như ăn uống tại chỗ, thể thao ngoài trời, vui chơi giải trí với số lượng dưới 20 người, người tham gia phải có thẻ xanh Covid.
 
Giai đoạn 3, dự kiến sau 15.1.2022, nếu diễn biến dịch theo như kế hoạch kiểm soát, TP.HCM sẽ mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế, riêng đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham dự phải có thẻ xanh Covid...
Song Mai