Tính đến nay, đã có 207.235 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; đồng thời, hỗ trợ 245.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đó chỉ là một trong những con số cho thấy nỗ lực của các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát
Trong thời gian qua, với mục đích nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ở địa phương, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm và thực hiện đạt hiệu quả Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ATTP của các ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND phát động chuyên đề thi đua “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” trên địa bàn tỉnh.
Việc phát động chuyên đề thi đua phù hợp với tình hình hiện nay và gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương nên đã được các ngành, các cấp và các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo và người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức, tạo được sự chuyển biến trong cộng đồng, giúp người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng không ngừng nâng cao nhận thức, chủ động có biện pháp sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Lực lượng cán bộ làm công tác ATTP đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về chất lượng ATTP, từng bước góp phần bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, ngành Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát, lấy mẫu các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhằm kiểm tra hàng giả, nhãn hiệu hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch và dấu kiểm soát giết, mổ của các cơ sở kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật.
Trong đó, riêng ngành Y tế, trong năm 2020, đã thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh doanh thực phẩm với 12.473 lượt, đạt vệ sinh 12.248 lượt, tỷ lệ 98,2%; thực hiện giám sát 7.807 mẫu thực phẩm các loại, trong đó có 149 mẫu không đạt. Ngành nông nghiệp thực hiện thanh kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP với 178 cơ sở, phát hiện 70 cơ sở vi phạm.
Sở Công Thương Tiền Giang cũng đã kiểm tra hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (rượu, bánh, kẹo) thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, hậu kiểm, đoàn kiểm tra của Sở đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành có liên quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Sở Công Thương còn chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế lập đoàn giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về chất lượng, ATTP tại 14 chợ, 4 siêu thị và 12 cửa hàng bách hóa, lấy 403 mẫu test nhanh chỉ tiêu hàn the, foocmon, nitrat, dư lượng thuốc trừ sâu. Kết quả: 353 mẫu đạt; 40 mẫu test nhanh nitrat vượt mức an toàn và 10 mẫu phản ứng dương tính với hàn the…
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Một điểm nổi bật trong công tác bảo đảm ATTP tại tỉnh Tiền Giang, đó là tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác truyền thông, vận động và nâng cao ý thức các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thị trường nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, tỉnh luôn quan tâm đào tạo, tập huấn cách thức sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc như: Quy trình sản xuất theo GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm), ISO (Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế)... cho các đối tác có liên quan.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tổ chức trên 800 cuộc tuyên truyền, vận động cơ sở, doanh nghiệp liên kết tạo các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn thu hút trên 24.500 lượt người tham dự. Đến nay, có 60 cơ sở được xác nhận sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn với 37 sản phẩm như: Gà thịt, rau củ các loại, thịt heo, lạp xưởng, mắm ruốc, trà mãng cầu, trứng gia cầm, gạo, chả lụa, nem...
Trong đó, đối với chuỗi sản phẩm động vật đã cấp 19 giấy xác nhận với sản lượng thịt gà đạt gần 79.000 con/năm; thịt lợn trên 34 tấn/năm; trên 8,4 triệu trứng/năm; lạp xưởng, nem, chả lụa 20 tấn/năm. Chuỗi sản phẩm thực vật đã cấp 34 giấy xác nhận với sản lượng rau, củ, quả đạt trên 1.069 tấn/năm; cải muối, cải chua 187 tấn/năm. Chuỗi sản phẩm thủy sản cấp 6 giấy xác nhận với sản lượng cá cơm sấy ăn liền trên 3 tấn/năm...
Thực hiện chuyên đề thi đua “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, năm 2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ 245.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cấp lại 251 giấy chứng nhận cơ sở sản xuất , kinh doanh nông lâm sản và thủy sản; cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 1.212 người/281 cơ sở…
Đồng thời, đã có 207.235 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT - BNNPTNT và đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của 37.575 cơ sở, chưa phát hiện cơ sở không đạt yêu cầu. Đáng chú ý, xây dựng và triển khai thực hiện đề tài “Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến góp phần cải thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Hợp tác xã RAT Gò Công”; phối hợp với Trung tâm ICAFIS thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi giá trị ngao - tre toàn diện, bền vững tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Lộ trình chứng nhận MSC (Hội đồng quản lý biển quốc tế) cho nghề nghêu Tiền Giang với diện tích chứng nhận là 2.000 ha...