Thời gian gần đây, ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM có chiều hướng gia tăng. Riêng TPHCM trong 6 tháng trở lại đây đã xảy ra 7 vụ ngộ độc, với số người mắc lên đến gần 300. Lý giải cho điều này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM rằng, các doanh nghiệp đã ủy thác hoàn toàn cho các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp tự chọn thực phẩm, trong đó có nhiều thực phẩm ôi thiu.
Siêu bẩn
Các tỉnh vùng Đông Nam bộ xuất hiện hàng ngàn bếp ăn công nghiệp nhằm chế biến thức ăn sẵn phục vụ cho các công ty, nhà máy, xí nghiệp và trường học. Để tăng lợi nhuận, nhiều cơ sở thay vì mua thực phẩm tươi sống lại chọn thực phẩm giá rẻ, thậm chí ôi thiu đưa vào bếp ăn phục vụ cho công nhân. Bữa ăn do các nhà thầu cung cấp không chỉ thiếu chất dinh dưỡng mà còn gây nguy hại đến sức khỏe cho người lao động.
Mục sở thị tại cơ sở chế biến thức ăn T.H nằm trong một hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Dĩ An, Bình Dương) làm chúng tôi hết sức bất ngờ. Cơ sở cung cấp suất ăn chỉ rộng chừng 40m2 mà có 6 lao động, mỗi ngày cung cấp 2.500 suất ăn công nghiệp cho các công ty. Ngay từ sáng sớm các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả... được vứt tràn lan xuống nền nhà. Để tiết kiệm nước, cùng một thau nước được cơ sở này tận dụng rửa 3 - 4 loại rau. Đi sâu vào khu vực bếp chúng tôi phát hiện, khu vực chế biến thực phẩm nằm sát với nhà vệ sinh.
Lý giải về việc cơ sở chế biến chật hẹp, bà N.T.H cho rằng nếu thuê mặt bằng rộng, đạt chuẩn VSATTP thì lợi nhuận không còn được bao nhiêu. Trong khi đó, các doanh nghiệp ký hợp đồng một bữa ăn cho người lao động hiện nay quá thấp, chỉ khoảng 12 - 15 ngàn đồng/suất ăn. Trong khi chủ bếp phải đầu tư vốn mua thực phẩm, tiền vận chuyển, điện nước, trả lương cho công nhân. Để cắt giảm chi phí, buộc cơ sở phải mua thực phẩm với giá rẻ nhất để tăng thêm phần lợi nhuận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp đều phải lên bảng định giá từng tuần, thậm chí từng ngày cho mỗi suất ăn. Nếu giá cả thực phẩm trên thị trường tăng thì khẩu phần ăn sẽ bị giảm lại. Cụ thể, với giá 12 - 15 ngàn đồng/suất ăn thì chỉ cơm trắng, một miếng thịt heo hoặc một con cá loại nhỏ và một bát canh đại dương. Để tăng lợi nhuận, có cơ sở chỉ cung cấp được một nhúm cá cơm kho, vài miếng tàu hũ và một chút bắp cải xào, cho nên việc nâng chất lượng bữa ăn cho công nhân là chuyện rất khó.
Suất ăn giá 12 - 15 ngàn đồng khó đảm bảo sức khỏe cho người lao động
Bà H. phân tích, hiện nay một đĩa cơm bình dân ngoài quán cũng có giá từ 20 - 25 ngàn đồng/suất. "Thú thật, để nhận được hợp đồng nấu ăn cho 1.000 công nhân với suất ăn 12 ngàn/bữa trong vòng 1 năm, cơ sở cung cấp suất ăn cũng phải chi ra một khoản tiền từ 30 - 70 triệu đồng để "bo" cho bộ phận nhân sự, công đoàn... của công ty. Nếu số doanh nghiệp có đông công nhân thì số tiền "bo" cũng được tăng lên. Ngoài ra, mỗi khẩu phần ăn cơ sở còn phải chiết khấu cho các bộ phận liên quan từ 200 - 500 đồng/suất". Có công ty, bà H còn phải chiết khấu lên đến 1.000 đồng/suất để "bo" cho bộ phận nhân sự. Hỏi về mức lợi nhuận/suất ăn, bà H. thú nhận, nếu làm đúng hợp đồng thì chỉ có lời chút đỉnh, còn làm ăn gian dối thì bứt rứt lương tâm.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay các doanh nghiệp ký kết với các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp chỉ có giá từ 12 - 17 ngàn đồng/suất ăn thì hoàn toàn không đủ chất dinh dưỡng cho người lao động. Dù cơ sở nấu ăn công nghiệp có mua thực phẩm ôi thiu, giá rẻ cũng không có được một bữa ăn đủ chất. Để tăng lợi nhuận, nhiều cơ sở nấu ăn công nghiệp còn rỉ tai nhau lên chợ Kim Biên mua loại hóa chất màu trắng, có nguồn gốc từ Trung Quốc mang về trộn với gạo để nấu cơm nhằm kích thích cho hạt gạo nở gấp 2 - 3 lần so với cách nấu thông thường. Theo công thức chỉ dẫn, cứ 10kg gạo cho một gói bột nở sẽ ra một nồi cơm trắng toát, thơm ngon và có thể bao no cho người lao động. Dù cơ sở có nấu cho 1 - 2 nghìn công nhân nhưng chỉ mất 3,5 - 4 tạ gạo là có được nồi cơm trắng dẻo, thơm phức.
Ngộ độc thực phẩm gia tăng
Theo Cục ATTP TPHCM, toàn thành phố có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căn tin phục vụ học sinh trong các trường học. Tuy nhiên, lo ngại nhất vẫn là những bữa ăn giữa trưa khiến thực phẩm dễ dàng bị ôi thiu trong thời tiết nắng nóng. Trong 10 tháng trở lại đây, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.040 người bị ngộ độc, trong đó có 21 người tử vong. Còn trong 3 tháng đầu năm 2021, dù số lượng vụ ngộ độc thực phẩm không nhiều nhưng số người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị lại rất lớn, cho thấy tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn diễn ra phức tạp.
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng các suất ăn công nghiệp trên địa bàn TPHCM rất lớn với khoảng 3,8 triệu lao động và hơn nửa triệu học sinh. Hiện thành phố có khoảng hơn 3.800 bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn sẵn, trong đó có 243 cơ sở cung cấp khoảng 36.320 suất ăn/ngày. Số các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không nhiều nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở gây ra luôn chiếm tỷ lệ cao. Ðiều này cho thấy, việc bảo đảm VSATTP tại các cơ sở còn nhiều bất cập. Trong 6 tháng cuối năm 2020, Ban Quản lý ATTP đã kiểm tra 583 cơ sở, phát hiện 20 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 13 cơ sở với tổng số tiền 154,5 triệu đồng.
Tình hình ATTP tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học vẫn đang là một mối lo lớn. Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất kinh doanh không cao, vì lợi nhuận nên họ sẵn sàng làm trái quy định. Cùng với đó, còn một bộ phận không nhỏ cơ sở có nhu cầu, chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, khó kiểm soát và không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện sản xuất thủ công.
Để giảm bớt tình trạng ngộ độc thực phẩm, Chi cục ATVSTP TPHCM cho rằng, việc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn hoặc không được bảo quản đúng cách khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc biến chất, từ đó khiến cơ thể bị ngộ độc. Mặt khác, phương tiện vận chuyển thức ăn của các doanh nghiệp không đảm bảo ATVSTP; thời gian từ lúc chế biến tới khi phục vụ ăn uống quá dài; thức ăn không được hâm nóng tại các nhà ăn. Bên cạnh đó mức giá nguyên liệu thực phẩm ngày càng tăng, trong khi suất ăn hiện nay ở một số nơi quá thấp (từ 7 đến 12 ngàn đồng) nên không bảo đảm chất lượng.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đã có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo TP; Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. Theo đó, Ban Quản lý ATVSTP TP đề nghị UBND các quận, huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo TP; Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP chú trọng triển khai các biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, bếp ăn từ thiện trên địa bàn; Kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn không đảm bảo đầy đủ các quy định về ATTP được kinh doanh, hoạt động.