0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kiểm soát thực phẩm bẩn: Sẵn sàng đối diện kêu ca

15/04/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Kiểm soát thực phẩm bẩn: Sẵn sàng đối diện kêu ca
Chúng tôi sẵn sàng đối diện với sự kêu ca, phàn nàn của rất nhiều doanh nghiệp rằng “Mùa dịch bệnh ế khách quá mà còn phải đón thanh tra…”” - bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, chia sẻ.
TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được người dân quan tâm. Nhân tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15-4 đến 15-5), bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các hoạt động nhằm đảm bảo ATTP cho người dân trên địa bàn.
 
Cảnh báo ngộ độc thực phẩm đóng hộp
 
Phóng viên: Trong tháng hành động vì ATTP, Ban quản lý ATTP sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào, thưa bà?
 
+ Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đầu tiên, phải khẳng định công tác đảm bảo ATTP được thực hiện xuyên suốt trong năm chứ không chỉ riêng tháng hành động. Tuy nhiên, tháng 4 là thời điểm các vụ ngộ độc thực phẩm có nguy cơ xảy ra nhiều hơn do khí hậu thay đổi ở cả hai miền Nam - Bắc, nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách khiến thức ăn dễ ôi thiu.
 
Trong tháng hành động, Ban ATTP sẽ tập trung ba mũi nhọn gồm: Phòng chống ngộ độc thực phẩm, tăng cường tuyên truyền cho người dân và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
 
Về phòng chống ngộ độc, Ban ATTP sẽ kiểm tra và nhắc nhở các bếp ăn tập thể ở công ty, nhà trường rà soát, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm. Bên cạnh đó, lấy mẫu kiểm nghiệm hàm lượng các chất độc hại trong các sản phẩm nông sản, thực phẩm cung cấp đầu vào, không để xảy ra mất ATTP.
 
Trong thời gian qua, thỉnh thoảng TP lại tiếp nhận các ca ngộ độc thực phẩm chay từ các tỉnh, thành khác. Ngộ độc botulinum rất hiếm gặp nhưng đã xảy ra, dù TP.HCM chưa phát hiện nhưng rõ ràng với tình hình giao thương rộng khắp, nguy cơ ngộ độc ở TP rất lớn. Mặt khác, vừa qua, các vụ ngộ độc do ăn bún riêu chay ở Bình Dương, cơ quan chức năng hiện cũng đang gặp khó khăn khi xác định nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc.
 
Cho nên hơn lúc nào hết, cần cảnh báo cho người dân không chỉ phòng ngừa ngộ độc ở bếp ăn tập thể, căn tin mà kể cả bếp ăn gia đình. Nếu lựa chọn đồ hộp chay hoặc đồ hộp khác thì không nên sử dụng đồ hộp biến dạng, phồng, nấu chín kỹ càng tốt, không nên ăn đồ dư thừa để lại dễ dẫn đến ôi thiu, rối loạn tiêu hóa
 
Tăng cường lấy mẫu giám sát, test nhanh
 
Ban quản lý ATTP TP.HCM sẽ có những chuyên đề đặc biệt đối với sản phẩm ẩn chứa nhiều nguy cơ. Cụ thể, tăng cường lấy mẫu giám sát, test nhanh phát hiện chất cấm trong sản phẩm ở các chợ đầu mối, một phần ở chợ truyền thống, đặc biệt là phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ quả, hormone tăng trưởng, chất cấm hoặc nhiễm vi sinh vật ở thịt
 
Sẵn sàng đối diện kêu ca
 
Bà có lường trước việc tăng cường thanh tra, kiểm tra không khéo sẽ bị ý kiến là gây khó khăn, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN)?
 
+ TP.HCM là nơi tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhất nước nên nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Theo quy định, việc kiểm tra DN được thực hiện một năm một lần, đảm bảo không gây phiền hà nên cũng tạo ra tâm lý ỷ lại ở một số DN, cứ nghĩ đã được kiểm tra rồi thì thôi. Do đó, chúng tôi còn có chế độ thứ hai là kiểm tra đột xuất khi DN có dấu hiệu vi phạm, không giới hạn số lần, đặc biệt lưu ý hậu kiểm với sản phẩm DN tự công bố, cho nên không phải cứ tự công bố là xong, muốn sản xuất, kinh doanh gì cũng được.
 
Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu tất cả DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sẽ phải chuẩn bị tâm thế đón thanh tra vào một thời điểm bất kỳ. Chúng tôi sẵn sàng đối diện với sự kêu ca, phàn nàn của rất nhiều DN, chẳng hạn “Mùa dịch bệnh ế khách quá mà còn phải đón thanh tra” nhưng hai việc này không thể trộn lẫn, không thể lấy lý do làm ăn thua lỗ, bết bát, ít khách mà buông lỏng ATTP. Một khi xảy ra sự cố, lúc đó thiệt hại lớn hơn nhiều.
 
Bà có thể cho biết qua thực tiễn công tác thanh tra, kiểm tra, Ban quản lý ATTP còn gặp những khó khăn gì?
 
+ Hiện nay, các quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt là các quảng cáo “nhà tôi ba đời chữa bệnh” đang nhan nhản trên mạng, người dân khi thấy các thông tin trên mạng là dễ dàng tin. Tuy nhiên, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn do nhiều lý do như cơ quan kiểm duyệt quảng cáo ở nước ngoài, khó thu thập bằng chứng... Có trường hợp để địa chỉ công ty nhưng tới nơi thì người ở đây cho biết nhân viên đã nghỉ việc. Do vậy, người dân cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ những loại thông tin quảng cáo trên mạng, tránh tiền mất tật mang.
 
Về quy trình xử lý thực phẩm tươi sống, chúng tôi cũng gặp nhiều bất cập ở khâu kiểm nghiệm mẫu. Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm phải mất vài ngày, kể cả các vụ ngộ độc cũng mất cả tuần. Trong thời gian này, nếu giữ mặt hàng cá, thịt tươi sống mau hư, kiểm nghiệm âm tính thì ai chịu trách nhiệm, còn nếu cho bán ra, kết quả dương tính thì hậu quả đã xảy ra. Do đó, Ban quản lý ATTP thường dùng test nhanh để xác định nhưng kết quả test nhanh khá hồi hộp khi có tỉ lệ dương tính giả.
 
Ngoài ra, quy trình xử lý vụ việc lớn còn phức tạp, gây tốn kém. Dẫn chứng một vụ việc, sau khi xử lý 20 tấn thịt heo hôi thối, ban cũng hết kinh phí dự trù. Dù thịt đang bốc mùi nhưng chủ hàng vẫn không chịu ký vào biên bản nên chúng tôi phải đưa vào kho niêm phong lại, đề phòng tẩu tán, chờ bổ sung giấy tờ. Sau đó, chủ hàng chỉ đưa ra được giấy tờ giả nên phải chịu phí kiểm nghiệm (kết quả ôi thiu) và tiêu hủy nhưng lại bỏ trốn nên phải chờ bảy ngày sau địa phương ra quyết định thì mới có căn cứ để xử phạt. Đồng thời, chi phí tiêu hủy trên 100 triệu đồng, theo quy định thì chúng tôi phải đấu thầu tiêu hủy nên lại mất thêm mấy chục ngày, trong khi đó chi phí lưu kho lên đến 500.000 đồng/ngày
HOÀNG LAN
Báo điện tử Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh