0908.326.779 - 0906.362.707
 

Lo ngại nguồn gốc thực phẩm từ chợ online

26/04/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Lo ngại nguồn gốc thực phẩm từ chợ online
Không ít khu chung cư hiện có "chợ online” - nơi buôn bán nhiều mặt hàng, trong đó phổ biến nhất là thực phẩm. Người mua hàng tin vào lời cam kết "hàng quê", "hàng sạch", "hàng không hóa chất", song sự thật từ những lời cam kết đó tới đâu thì không ai dám khẳng định.

Sự tiện lợi của “chợ cư dân”

Nhiều cư dân ở các khu chung cư đang coi “chợ online” ở nơi mình sinh sống là giải pháp tốt cho cuộc sống bận rộn. Để chuẩn bị bữa cơm gia đình, một số người chỉ cần cầm điện thoại, lướt vào "chợ" vài phút là đã sắm đủ loại thực phẩm tươi sống được quảng cáo tươi, ngon, sạch, "nhà trồng", không hóa chất, không chất bảo quản. Chị Đặng Thu Lan (Dương Nội, Hà Đông) kể, từ khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng, chị hạn chế đi ra ngoài nên thường tìm mua hàng qua mạng, đặc biệt là trên “chợ cư dân” Xuân Mai Complex - nơi chị sinh sống.

"Đặt mua thực phẩm của những người chung sống cùng khu, biết chính xác địa chỉ người bán nên cũng yên tâm hơn. Tôi thấy nhiều mặt hàng rẻ hơn khi mua ở bên ngoài, mua lúc nào cũng được giao hàng tận nhà mà không mất tiền vận chuyển”, chị Lan chia sẻ.

Cũng giống như chị Lan, nhiều người khi được hỏi cũng cho rằng "chợ cư dân" bán hàng online rất tiện, đáp ứng hầu hết nhu cầu, từ thực phẩm thông thường có mác “quê” đến các loại đặc sản vùng, miền hay cả các loại thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, khi mua hàng cũng có những rủi ro nhất định.

Là cư dân khu The Vesta, Hà Đông, chị Nguyễn Thị Phương Trang cũng có thói quen mua thực phẩm tại “chợ cư dân”. Tuy nhiên, có lần chị mua nho ngón tay nhập khẩu từ chủ facebook V.A nhưng không thể ăn nổi do mùi hóa chất nồng nặc. Trước đó, sản phẩm thịt bò Úc chị mua từ tài khoản H.L với giá 180.000 đồng/khay 500gram, song khi về nhúng lẩu ăn thì cảm giác thịt có “mùi lạ”, để ra bát thịt chảy nước vàng. Chị có phản ánh lại với chủ hàng về việc chất lượng không bảo đảm, có thể do để quá lâu song chủ hàng một mực khẳng định thịt mới nhập về.

Lo ngại về nguồn gốc

Với sản phẩm được bán trên các "chợ cư dân" hiện nay, nhiều sản phẩm đến tay người dùng trong tình trạng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn dùng, song người mua hầu như không quan tâm bởi... tin tưởng vào người bán. Theo chị Phương Trang, số nho mà chị mua qua "chợ cư dân" The Vesta, dù được quảng cáo là nhập khẩu nhưng chất lượng và nguồn gốc sản phẩm thực sự đáng lo ngại. Không ít người đặt câu hỏi rằng, người bán hàng quảng cáo sản phẩm "nhà trồng" nhưng nếu bán với số lượng lớn và thường xuyên như vậy thì ai dám chắc đó không phải là sản phẩm từ các chợ đầu mối? Dù người bán khẳng định sản phẩm được bán tại "chợ cư dân" có giá rẻ hơn so với bên ngoài khá nhiều là do không phải chịu thuế, không phải trả tiền thuê mặt bằng thì nhiều người vẫn lo ngại về nguồn gốc và chất lượng của các loại thực phẩm này.

Hiện các cơ quan chức năng cũng thừa nhận việc khó kiểm soát mặt hàng thực phẩm được bán trên “chợ online” bởi số người bán quá lớn và lượng hàng hóa không nhiều. Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn đời sống. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng, chất lượng thực phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc, cách bảo quản sản phẩm. Với một số sản phẩm, nếu quá hạn dùng mà người kinh doanh vẫn cố bán cho người tiêu dùng thì rất nguy hiểm. “Việc bán hàng trên các "chợ cư dân" đa số mang tính nhỏ lẻ, người mua và người bán tin nhau, không hề có cam kết nào về chất lượng, nguồn gốc, hạn dùng, nên khi có vấn đề xảy ra rất khó để truy trách nhiệm”, ông Phong cho hay.

Thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bác sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, với thực phẩm online, nguy cơ không chỉ đến từ nguyên liệu mà còn nằm ở quy trình, các công đoạn chế biến thực phẩm. Bởi người bán có thể chưa được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy phép kinh doanh và cũng không có cơ quan chức năng nào có thể kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm mà họ làm ra. Chưa kể, nếu dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm được sử dụng nhiều lần, không được vệ sinh sạch sẽ thì rất dễ mang mầm bệnh. Việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của một hay nhiều công đoạn có thể làm cho thực phẩm bị ô nhiễm, nguy cơ ngộ độc rất cao.

Vì vậy, người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi mua thực phẩm ở các "chợ cư dân". Nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình

AN HÀ